Hà Nội chi gần nghìn tỷ xây Cung văn hoá thể thao thanh niên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - HĐND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cung văn hoá thể thao Thanh niên Hà Nội tại số 1 - 3 Tăng Bạt Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.000 tỷ đồng.

Nghị quyết 29 của HĐND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cung văn hoá thể thao Thanh niên Hà Nội, mục tiêu quy hoạch tổng thể thành quần thể kiến trúc hiện đại, có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động chính trị, giao lưu, các sự kiện lớn về văn hoá, thể thao, văn nghệ, vui chơi giải trí của thanh niên Thủ đô với thanh niên cả nước và thanh niên các nước trên thế giới.

Diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch dự án gần 20 nghìn mét vuông, địa điểm tại số 1 - 3 Tăng Bạt Hổ (Hai Bà Trưng), gồm 3 khối chức năng chính: khối dịch vụ văn hoá thể thao và văn phòng điều hành (7 tầng); khối quảng trường thanh niên; khối tổ chức các sự kiện chính trị, thể thao, văn hoá.

Hà Nội chi gần nghìn tỷ xây Cung văn hoá thể thao thanh niên ảnh 1

Cung thanh niên Hà Nội. Ảnh: Báo Công luận

Theo đó, khối dịch vụ văn hoá thể thao và văn phòng điều hành gồm các hạng mục: Lễ tân, khánh tiết, triển lãm chuyên đề, phòng biểu diễn nghệ thuật 600 chỗ + mở rộng, câu lạc bộ (cờ vua, cờ tướng, bóng bàn, bi-a, bowling…), phòng họp, hội thảo, văn phòng đại diện hợp tác quốc tế về thanh niên, khối hành chính, quản lý toà nhà.

Khối tổ chức các sự kiện chính trị, thể thao, văn hoá gồm: Sân thể thao đa năng sử dụng cho môn bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, võ, vật… ; khán đài 1.200 chỗ, không gian phụ trợ; phần ngầm xây dựng bể bơi 9 làn hiện đại có thể sử dụng 4 mùa.

Quảng trường thanh niên là không gian giữa 2 khối nhà, trên mái tầng hầm, gồm sân vườn, cây xanh, cột cờ, nhà cầu nối 2 khối nhà, sân khấu tổ chức sự kiện ngoài trời với quy mô khoảng 3.000 người.

Theo HĐND thành phố, đây là dự án nhóm A, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 998 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2022 đến năm 2026. Chủ đầu tư (dự kiến) là Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội.

HĐND thành phố đề nghị chủ đầu tư tiếp tục xem xét, đánh giá cụ thể tại giai đoạn tiếp theo của dự án đảm bảo phù hợp với những quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và các quy định hiện hành khác có liên quan. Nghiên cứu phương án kiến trúc theo đúng các quy định.

Thành phố cũng đề nghị chủ đầu tư phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị thống nhất phương án thiết kế, bố trí công trình, hạng mục công trình của dự án đảm bảo các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu đường sắt, đảm bảo không trùng lấn với dự án tuyến đường sắt đô thị số 3.2. "Dự án chỉ khởi công khi đảm bảo điều kiện trên và các quy định khác về đầu tư công", HĐND thành phố nêu.

Một vấn đề khác, HĐND thành phố đề nghị đơn vị được giao chủ đầu tư thực hiện dự án tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành; trong quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt dự án phải xác định tính chính xác tổng mức đầu tư của dự án, đảm bảo đầu tư triệt để tiết kiệm, hiệu quả cao, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo chủ đầu tư chỉ được thực hiện phá dỡ công trình khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về xây dựng, quản lý tài sản công.

MỚI - NÓNG