Dịch diễn biến kéo dài, giá xăng dầu tăng cao dẫn đến khó khăn cho tài xế hoạt động taxi |
Là người thường xuyên sử dụng taxi để đưa mẹ đến bệnh viện kiểm tra, theo dõi sức khỏe, tuy nhiên từ Tết đến nay, anh Lâm, sống tại khu tập thể B6, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân nhiều lần gọi xe vào buổi sáng và buổi trưa để di chuyển đều không được. “Tôi thường gọi các hãng Taxi CP Hà Nội, Taxi Thanh Nga, Taxi Tràng An… Tuy nhiên, nhiều lần cho dù gọi để đi ngay hoặc đặt lịch đều được tổng đài thông báo xe đã được huy động ra đường hết, khách phải chờ để được bố trí xe. Có hôm, tôi phải ra đường vẫy taxi tự do, hoặc phải tự đi bằng xe máy”- anh Lâm thông tin.
Tình trạng khó gọi được taxi đang xảy ra ở Hà Nội, thậm chí từ 22h đến 24h, nhiều hãng không có taxi phục vụ khách.
Do việc kết nối với tổng đài và trên phần mềm (app) gọi taxi khó khăn, thời gian vừa qua, nhiều người dân đã phải ra đường đứng chờ và vẫy taxi chạy tự do. Với những trường hợp vẫy đúng được taxi hãng (Taxi có doanh nghiệp - DN, đơn vị quản lý) thì việc tính tiền cước sẽ theo giá niêm yết trên xe và khách trả theo đồng hồ tính cước; với trường hợp người dân vẫy phải xe taxi chạy chợ hay còn gọi là “taxi dù” (xe chỉ có mào “Taxi” nhưng không có in tên, logo đơn vị quản lý), khách lên xe sẽ bị tài xế “chặt chém” giá theo hướng tự thỏa thuận, hoặc theo đồng hồ cước nhưng là đồng hồ nhảy số không có sự kiểm soát. “Tình trạng này xảy ra với nhiều khách đang bắt taxi tại các bệnh viện, trường học, nhà ga, sân bay và bến xe. Cước taxi đang được tài xế chạy tự do áp dụng cao hơn giá thị trường khoảng 30 đến 50%, thậm chí gấp đôi vào ban đêm, những hôm trời mưa, lạnh. Lúc này, hành khách bị đặt vào thế không còn lựa chọn nào khác, nhiều hành khách biết bị chặt chém giá, nhưng đành bấm bụng để di chuyển được việc”, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội chia sẻ.
Nhiều lái xe nghỉ việc
Thông tin với PV Tiền Phong, đại diện hãng Taxi Group Hà Nội cho biết, dù xe phục vụ khách tại hãng không thiếu, giảm nhưng sau Tết hãng đang thiếu tài xế do một số lái xe nghỉ hoặc chuyển việc. Còn ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc hãng Taxi G7 có lượng xe taxi vào hàng lớn nhất Hà Nội với trên 3.000 phương tiện cho biết, sau Tết, hãng có 10% lái xe nghỉ hoặc chuyển sang làm việc khác. “Để bổ sung cho lực lượng lao động thiếu hụt này, hiện G7 đang thông báo tuyển, bổ sung nhân sự để phục vụ nhu cầu của người dân”, ông Quân nói.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, sau hàng loạt khó khăn do dịch bệnh kéo dài, các hãng taxi phải dừng hoạt động nhiều tháng, trong khi chi phí đầu vào vẫn phải bỏ ra như lãi ngân hàng, bến bãi, bảo hiểm… Đến sau Tết, tuy tất cả các hãng taxi Hà Nội được hoạt động 100% công suất nhưng họ lại đối diện với tình trạng lái xe nghỉ việc, chuyển việc hàng loạt. Đây là khó khăn “kép” mà DN taxi đang phải đối diện. Ông Hùng cho biết, qua thống kê, theo dõi của Hiệp hội có hãng số tài xế bỏ việc chiếm 50% tổng số lái xe của họ… “Tình trạng này khiến một số hãng taxi thiếu hụt lái xe, phương tiện trầm trọng sau Tết. Thế nhưng, việc tuyển mới, bổ sung tài xế taxi hiện nay không hề đơn giản”, ông Hùng nói.
Giá xăng đang chiếm 35 đến 40% chi phí hoạt động của taxi, việc giá xăng tăng cao nhất trong nhiều năm vừa qua càng gây khó khăn chồng chất cho DN vận tải, lái xe. “Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hơn nữa lại có quỹ bình ổn giá để giữ ổn định thị trường, nhưng cơ quan điều tiết giá trên lĩnh vực này trong hơn tháng qua đã để giá xăng dầu tăng đến 3 lần trong hơn 1 tháng, riêng lần tăng ngày 11/2 vừa qua đã đưa giá xăng tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Quá vô lý, bất cập”, ông Hùng nói.