Hà Nội cần 40 tỷ USD làm 10 dự án đường sắt

TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng trước mắt cho phép lựa chọn nhà đầu tư xây dựng tuyến số 2, tuyến số 5, tuyến số 3. Ảnh minh họa
TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng trước mắt cho phép lựa chọn nhà đầu tư xây dựng tuyến số 2, tuyến số 5, tuyến số 3. Ảnh minh họa
TPO - UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình Thủ tướng về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Theo đó, để phát triển 10 dự án đường sắt đô thị, Hà Nội cần tới hơn 40 tỷ USD từ nguồn vốn ODA, đấu giá 6000 ha đất đối ứng cho nhà đầu tư.

Tờ trình của UBND TP Hà Nội cho biết, theo quy hoạch Giao thông Vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường với tổng chiều dài là 417,8 km, trong đó 342,2 km cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,5 km đi ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cho từng giai đoạn là: từ năm 2017-2020 vốn là 7,55 tỷ USD; từ năm 2021 - 2025 vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD; từ 2026 - 2030 vốn là 3,566 tỷ USD; sau năm 2031 vốn đầu tư 21,327 tỷ USD. 

10 tuyến đường sắt đô thị được Hà Nội quy hoạch gồm: Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh); Tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi); Tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông - kéo dài đến Xuân Mai); Tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Yên Sở); Tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà); Tuyến số 5 (Văn Cao - Hoà Lạc); Tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi); Tuyến số 7 (Mê Linh - Hà Đông); Tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá); Tuyến Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai. 

UBND TPHà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA thực hiện các dự án có kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, giai đoạn 2020 - 2025 và các năm tiếp theo. Phương án hai được Hà Nội đề xuất đó là ưu tiên vốn cho tuyến số 2 và tuyến số 3 với tổng đầu tư khoảng 2,344 tỷ USD. Hiện Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) và một số nhà tài trợ khác đang quan tâm và mong muốn tài trợ cho hai dự án này. 

UBND TP Hà Nội cho biết 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư các dự án xây dựng đường sắt đô thị (tuyến tàu điện ngầm) gồm Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty cổ phần Lũng Lô 5, Công ty Mosmetrotroy (Liên Bang Nga), Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Tổng công ty Licogi và Công ty TNHHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam và Tập đoàn Lotte Hàn Quốc. 

Để thực hiện phương án này, Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội uỷ quyền cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trưởng đầu tư các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội. Đối với 2 tuyến được đề xuất xây dựng bằng vốn ODA, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành cùng lên tiếng kêu gọi ODA từ các nhà tài trợ.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư được lựa chọn hoàn thiện báo cáo tiền khả thi trình Chính phủ trước ngày 30//8/2017, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2017. 

TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng trước mắt cho phép lựa chọn nhà đầu tư xây dựng tuyến số 2, tuyến số 5, tuyến số 3. Phương án huy động vốn được Hà Nội đề xuất là kêu gọi ODA, thành phố bố trí ngân sách để làm vốn đối ứng triển khai 2 dự án này. 

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội kiến nghị bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 6.000 ha đất, với tổng giá trị sử dụng đất khoảng 300.000 tỷ đồng để làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư và đấu giá quyền sử dụng đất tại vốn thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông theo hình thức đối tác công tư PPP, trong đó có các dự án đường sắt đô thị. 

MỚI - NÓNG