Hà Nội: Bệnh nhân COVID-19 khai báo không trung thực có thể bị xử lý hình sự

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng
TPO - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng giao công an thành phố chỉ đạo công an các địa phương tham gia vào các tổ truy vết cộng đồng. Có công an người bệnh sẽ khai báo nhanh hơn để phòng chống dịch bệnh. “Nếu không khai báo, để lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại thì căn cứ theo quy định của pháp luật để xử lý, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Dũng nói.  

Xử phạt ngay 2 trường hợp khai báo không trung thực

Chiều 8/2, Hà Nội họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin, trường hợp ca bệnh 2009 ở Nam Từ Liêm khai báo lịch trình quanh co, giấu diếm, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh. Lãnh đạo UBND thành phố đã yêu cầu quận Nam Từ Liêm lập hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định.

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, đây là ca bệnh phức tạp, không khai báo việc tiếp xúc với ca bệnh F0, di chuyển phức tạp. Con bệnh nhân và người giúp việc cho bệnh nhân cũng đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Theo điều tra sơ bộ, bệnh nhân có 8F1, 15 F2, và đang tiếp tục truy vết đến những người thuộc diện F3.

“Quận đã giao công an lập hồ sơ, xử lý hai trường hợp khai báo không trung thực, không khai báo, để dịch bệnh lây lan là bệnh nhân 1722 và bệnh nhân 2009”, ông Cường thông tin. Ông Cường cũng cho biết, liên quan đến chợ Mỹ Đình, hiện trên cơ sở điều tra lịch trình của các ca bệnh, sẽ quyết định các biện pháp cụ thể, nhưng tình hình là “nguy cơ cao hơn tòa chung cư 88 Láng Hạ”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhắc, hôm nay, tôi xuống kiểm tra, đã chỉ đạo lập hồ sơ xử phạt hành chính trường hợp bệnh nhân 1722, 2009. Bệnh nhân 2009 khai báo quanh co, không trung thực, biết mình là F1 mà không khai báo, ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến tình hình an ninh xã hội.

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, ngay trong chiều tối nay, sẽ hoàn thiện hồ sơ, xử phạt hành chính hai trường hợp bệnh nhân 1722, 2009.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng phân tích, trường hợp ca bệnh 2009 có 8F1, 2 trường hợp đã dương tính. 4 nhân viên gội đầu đã âm tính, còn 2 trường hợp đang chờ kết quả, liên quan đến 3 quận.

“Tôi nghĩ rằng còn có thêm F1. Việc truy vết phải tiếp tục. Qua khai thác, ca bệnh này thiếu trung thực, khai báo nhỏ giọt. Tôi đã yêu cầu cơ quan công an hoàn thiện hồ sơ để xử phạt vì không khai báo, để tồn tại F1 trong cộng đồng, gây tổn hại về tài chính, về an ninh trật tự”, ông Dũng nói.

Đã lây đến thế hệ thứ 3

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phân tích, ở Hà Nội đã lây nhiễm đến thế hệ thứ 3. Cụ thể, từ ca 1694 lây cho ca 1722, từ ca 1722 lây cho ca 2009, từ ca 2009 lây cho 2 trường hợp khác. Ông Dũng nhắc lại việc ca bệnh 2009 quanh co, khai báo nhỏ giọt, trước mắt hoàn thiện hồ sơ xử lý hành chính, sau này sẽ xem xét cụ thể, cần thiết phải truy tố hình sự. “Không thể để như thế này được, rõ ràng biết nguy hại, biết yêu cầu của thành phố về phòng chống dịch bệnh mà không thực hiện”, ông Dũng nêu.

Theo ông Dũng, thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngày Tết người dân đi lại đông, nhiều người về Thủ đô đón Tết. Còn một số cá nhân chưa thực sự nghiêm túc, thiếu sự phối hợp trong phòng chống dịch bệnh. Vì thế, các cấp thành phố phải vào cuộc nghiêm túc, kích hoạt cả hệ thống chính trị, các tổ chức COVID cộng đồng. “Qua kiểm tra ở một số địa phương, hệ thống văn bản đầy đủ hết, nhưng nếu có ca F0 thì ai sẽ tham gia trực tiếp ở khu vực cách ly. Cần kích hoạt mọi phương án sẵn sàng, khi bấm nút thì chỉ vận hành thôi”, ông Dũng nói thêm.

Ông Dũng dành nhiều thời gian nói về việc truy vết các ca mắc COVID-19. Cụ thể, truy vết phải tập trung và nhanh hơn nữa. Nếu trường hợp không khai báo phải có biện pháp mạnh. Phải phát huy vai trò của tổ COVID cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.

Công an thành phố chỉ đạo công an địa phương tham gia ngay vào các đội truy vết. Trách nhiệm của người dân khi được mời phối hợp khai báo phải có thái độ hợp tác, trung thực. Nếu khai báo sai, giấu diếm, không bắt kịp thời gian dịch bệnh thì rất khó để phòng chống dịch.

“Cần có thông tin sớm để phối hợp. Ngay như đêm qua, cả lãnh đạo thành phố, Sở Y tế trao đổi ngay trong đêm. Sử dụng các nhà mạng để truy vết, biết ca bệnh ở khu vực nào. Nhưng ca bệnh khai báo rất quanh co. Có nhiều vấn đề tế nhị không công bố, nhưng nếu không biết được thì rất khó khăn phòng chống dịch”, ông Dũng nói, đồng thời lưu ý, riêng với ca bệnh 2009 phải truy vết cụ thể đến các trường hợp F3.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng lưu ý việc quản lý tốt công tác nhân khẩu; cần liên hệ với các tổ dân phố, Ban quản trị tòa nhà để có thông tin cụ thể, tránh tình trạng như Ban quản trị tòa nhà Garden Hill lại đang về quê.

Ông Dũng cho rằng, cần xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch, đặc biệt việc không đeo khẩu trang. Áp dụng các mức phạt như trong quy định về 15 hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch. Các địa phương cần sẵn sàng cho các tình huống. Công tác xét nghiệm phải nhanh hơn nữa. Việc phong tỏa khu vực nào phải thông báo cụ thể cho người dân biết. Hỗ trợ cho người dân trong khu vực bị phong tỏa đón Tết đầy đủ.

“Khi có các ca dương tính, CDC Hà Nội cần thông tin rộng rãi, ngay cả F1, F2 cũng công khai thông tin đi đến các địa điểm nào. Không công khai danh tính, nhưng cần công khai địa điểm đi đến để người dân biết”, ông Dũng chỉ đạo.

Ông Dũng cũng nhắc lại yêu cầu của Thường trực Thành ủy về việc các lãnh đạo quận, huyện, thành phố không được rời thành phố dịp Tết để tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh.

MỚI - NÓNG