Hà Nội: 370 hộ dân 'sống mòn' trong dự án treo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong 17 năm qua, 370 hộ dân ở tổ dân phố Nhuệ Giang luôn sống trong cảnh “nắng thì nóng, mưa lại lo ngập, nhà sập”. Nơi họ đang sống nằm trong dự án “treo” nên người dân không được xây mới, hạn chế sửa chữa.

Khu phố “lụp xụp” giữa Thủ đô

Ngày 12/12/2006, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tại xã Tây Mỗ (nay là phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tổ dân phố Nhuệ Giang (phường Tây Mỗ) với 370 hộ dân nằm trong diện thu hồi, giải phóng mặt bằng cho dự án trên.

Sau khi dự án được phê duyệt, các hộ dân sẵn sàng di dời nhường đất để triển khai dự án. Thế nhưng, đến nay đã 17 năm, dự án vẫn “treo”, còn người dân thì sống trong “lo sợ”. Bởi nhà cửa xuống cấp, đường sá, hệ thống thoát nước không được đầu tư.

Hà Nội: 370 hộ dân 'sống mòn' trong dự án treo ảnh 1

Nhà của người dân Tổ dân phố Nhuệ Giang đã nứt, xuống cấp, nguy cơ đổ sập rất cao

Bà Đỗ Thị Phương (Cụm 1, Tổ dân phố Nhuệ Giang) cho biết, bà vào nhà máy cơ khí số 5 học và làm việc từ năm 1973 và được phân cho căn nhà 50m2. Đến nay, căn nhà cũng được hơn 50 năm nên xuống cấp trầm trọng. Nhiều lần, gia đình bà muốn xây dựng mới nhưng do nằm trên đất quy hoạch dự án nên không ai cấp phép. Vì thế, gia đình 3 thế hệ với 9 thành viên phải chen chúc trong căn nhà 50m2.

“Mình già rồi còn cố chịu đựng, chứ cháu nhỏ thì không chịu được. Vì thế, vợ chồng người con đầu và cháu nhỏ đã thuê nhà nơi khác để sinh sống”, bà Phương chia sẻ.

Cũng theo bà Phương, cả Cụm 1 có 38 hộ sinh sống với 4 dãy nhà tập thể nhưng cũng không có đường ống hay mương thoát nước. Trong khi đó, đường thì cao hơn nền nhà nên mỗi trận mưa nước lại vào đến mép sàn. Hơn nữa, tường nhà trước đây được trát bằng vữa (vôi trộn với cát) nên giờ không còn chắc chắn. Vì vậy, mỗi khi mưa to, bà lại lo nước tràn vào sàn, nhà sập.

Ông Nguyễn Duy Khối, đại diện các hộ gia đình tại Cụm 1 (Tổ dân phố Nhuệ Giang) cho rằng, dự án treo đã ảnh hưởng rất lớn đến hàng trăm hộ dân ở đây. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cấp nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.

Được biết, Tổ dân phố Nhuệ Giang có 370 hộ bị ảnh hưởng do dự án treo. Trong những năm qua, người dân không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, không được tách thửa, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được thế chấp ngân hàng. Thậm chí, một số căn nhà đã nứt toác, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Đề xuất điều chỉnh các khu dân cư ra khỏi dự án

Ông Nguyễn Đăng Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ cho biết, Dự án Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ có tổng diện tích 113,6 ha được phê duyệt năm 2006, nằm trên địa bàn xã Tây Mỗ và xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm cũ).

Đến ngày 30/11/2009, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi 691.955m2 đất để phục vụ dự án. Sau đó, các đơn vị chức năng đã thực hiện 2 đợt bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2017 đến nay, do không bố trí được nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng dự án không triển khai thực hiện được đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

“UBND phường đã đề nghị UBND quận kiến nghị với các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm dự án này để bảo đảm cuộc sống của người dân”, ông Cường nói.

Về dự án này, UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, đơn vị đã nhiều lần báo cáo UBND thành phố và các sở, ngành liên quan xem xét các phương án xử lý. Mới đây nhất, ngày 16/5/2023, UBND quận Nam Từ Liêm đã có Công văn số 1388/UBND-TNMT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tham gia ý kiến rà soát dự án, đề xuất sử dụng quỹ đất trong phạm vi quy hoạch Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ.

Theo đó, UBND quận kiến nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khu quy hoạch Cụm theo hướng điều chỉnh các khu dân cư (hiện nằm trong phạm vi thu hồi đất) ra khỏi dự án. Đồng thời, cần rà soát tình hình thực hiện dự án đối với các nhà đầu tư đã được UBND thành phố Hà Nội đồng ý về chủ trương nghiên cứu và được Sở Quy hoạch - Kiến trúc giải quyết thỏa thuận địa điểm nhưng chưa triển khai thực hiện.

MỚI - NÓNG