Trước đó, ngày 5/7, tại hội nghị ngành Tài chính, có ý kiến nhắc tới việc cứ có 2 doanh nghiệp (DN) mới thành lập thì lại có 1 DN “chết”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý một trong những giải pháp để “thúc” tăng trưởng kinh tế đó là ngân hàng cần giảm lãi suất vay nhằm hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh hơn nữa.
“Giảm lãi suất vay là bài toán khó với các ngân hàng thời điểm này. Đúng là ngành có “hứa” nếu nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua, sẽ tạo điều kiện cho nợ xấu được giải phóng, từ đó có cơ hội hạ lãi suất vay. Tuy nhiên, thực tế nghị quyết chưa triển khai (có hiệu lực từ 15/8/2017)”- một lãnh đạo NHNN chia sẻ với PV Tiền Phong.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6/2017, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5.89% (cùng kỳ năm trước tăng 8.23%); tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7.54%. Như vậy, huy động vốn đang chậm hơn tốc độ tăng tín dụng.
Một lãnh đạo NHTM cổ phần tỏ ra quan ngại với thực tế này ở chỗ sẽ khó có ngân hàng nào dám “cả gan” tính việc hạ lãi suất huy động VND. Để cho vay theo “mệnh lệnh”, ông này cũng cho rằng, các NHTM sẽ phải cân đối lại nguồn, cùng đó chấp nhận tiếp tục co ngắn khoảng cách NIM (chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra), chịu thiệt về lợi nhuận.
Dù rất nhiều tổ chức tín dụng đã xếp hàng tại NHNN đến xin nới chỉ tiêu nhưng một lãnh đạo NHNN cho biết, sẽ không “nới lỏng” tín dụng như nhiều khuyến nghị, bởi chỉ cần cung tiền đẩy ra mạnh, lập tức sẽ kéo theo vô số hệ lụy trong điều hành.
Theo Tổng cục thống kê, CPI tháng 6 2017 tăng 4,1% so với cùng kỳ và được kỳ vọng giữ ổn định trong 6 tháng cuối năm. Bước đi hạ lãi suất này, dù không nhiều nhưng được Chính phủ kỳ vọng đủ là “cuộc chạy tiếp sức ngắn” cho DN lúc này.