Trong “Cha cõng con”, bên cạnh câu chuyện cảm động về tình cha con, đạo diễn Lương Đình Dũng và nhà quay phim NSND Lý Thái Dũng còn mang đến bức tranh hoàn chỉnh về cảnh sắc Hà Giang. Đạo diễn kể đi hàng chục nghìn cây số qua nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam để chọn ra bối cảnh ở Bắc Mê.
Một trong số bối cảnh dựng ở đỉnh đồi Minh Ngọc- Bắc Mê với độ cao gần 200m từ chân đồi lên, hàng ngày đoàn phim phải leo lên leo xuống. Phim cũng đưa vào hình ảnh dòng sông Gâm, khu vực thác Núi đổ với hai ngọn núi đá dựng đứng.
Đạo diễn “Cha và con” được đánh giá là khá mạo hiểm. Bối cảnh đặt trên đỉnh đồi, phim quay giữa mùa bão nên có những ngày khi đi xuống đồi phải vươt qua con suối nước ngập tới cổ dù ban sáng khá cạn.
“Để đưa được thiết bị điện lên đỉnh núi, mọi người phải tháo rời các thiết bị điện ra đưa lên rồi mới lắp vào. Trên đỉnh đồi liên tục gặp mưa, bão lớn dù nó sẽ tạo thuận lợi cho cảnh quay thật hơn nhưng anh em sợ bởi gần đó có trận sét đánh chết gần hai chục con trâu. Bao nhiêu bộ đàm và điện thoại cả đoàn phải vứt ra thật xa”, đạo diễn Lương Đình Dũng kể.
Bối cảnh dòng sông Gâm khu vực Núi Đổ là bối cảnh ngôi nhà của hai cha con. Đạo diễn bảo anh đi khắp Cao Bằng, Tuyên Quang, Hoà Bình, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hoá, Sơn La, Thái Nguyên cho tới Hà Giang mới tìm được nơi này. Triền cỏ xanh đẹp trải dài này được đạo diễn thuê bà con trồng và giữ gìn trong vòng ba tháng để có những khung hình đẹp.
Trước khi phim ra mắt ở Việt Nam, nhà sản xuất đưa phim dự nhiều LHP quốc tế trong đó có Houston, Boston. "Cha cõng con" kể về hai cha con làm nghề đánh cá, cậu con trai luôn mơ ước được chạm tới những đám mây còn người cha không biết cách nào kiếm đủ tiền để chữa bệnh cho con.
“Tôi đặt tên phim là Cha cõng con, vì tên đó sẽ là vĩnh cửu, không có một người con nào không và không từng được cha cõng trên vai không từng ôm cổ Cha”, đạo diễn nói.
Phim khởi chiếu toàn quốc từ 5/4.