Hà Giang bàn kế sách 'thoát đáy' giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều nay (25/8) lần đầu tiên, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hội nghị “mổ xẻ”, nhìn thẳng thực trạng giáo dục và bàn giải pháp nâng cao chất lượng giai đoạn 2025-2030, trong đó đặt mục tiêu thoát vùng trũng, đưa giáo dục về mức trung bình khá trong khu vực nhằm có nguồn nhân lực chất lượng.

Hội nghị do Thường trực tỉnh uỷ tỉnh Hà Giang chủ trì. Dự hội nghị có Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong; đại diện Trường ĐH Thái Nguyên; đại diện các Sở, ngành và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đội ngũ giáo viên các trường học trên toàn tỉnh.

Hà Giang bàn kế sách 'thoát đáy' giáo dục ảnh 1

Thường trực tỉnh uỷ tỉnh Hà Giang chủ trì hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, địa phương luôn quan tâm lĩnh vực giáo dục, nhất là trong bối cảnh thực hiện chương trình GDPT 2018. Điều đó được thể hiện qua việc trong năm học thành lập thêm 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường THCS – THPT, phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại Hà Giang. Địa phương cũng hình thành được hệ thống trường nội trú, bán trú có quy mô lớn nhất với số lượng học sinh được hưởng chính sách nhà nước đông nhất. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng hằng năm.

Năm 2019, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở Hà Giang là 72%, năm tiếp theo tăng lên 88,01%, 2023 tăng lên 94,25%. Điểm trung bình các môn trong kỳ thi này cũng cải thiện từng năm: 4,3 điểm (năm 2019) lên 5,6 điểm (năm 2023).

Cũng theo ông Sơn phải thẳng thắn nhìn nhận, giáo dục của tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập mà nguyên nhân là do đời sống nhân dân còn nghèo, có tới 7 huyện nghèo, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 37,08%; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 87%; hơn 1.900 điểm trường nhỏ lẻ; thu nhập bình quân đầu người thấp so với các tỉnh trong khu vực. Kinh phí UBND tỉnh chi cho giáo dục thấp hơn so với các tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang đề nghị cán bộ quản lý địa phương, ngành giáo dục nhìn thẳng vào thực trạng, khắc phục bệnh thành tích, đưa ra giải pháp để từng bước nâng chất lượng của ngành. Trong đó xác định rõ, cần thoát đáy, đưa giáo dục về tốp trung bình khá trong khu vực tuy nhiên đây cũng là việc khó, cần thời có thời gian, lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, cán bộ quản lý các cấp trăn trở, quyết tâm sẽ xới xáo vấn đề, mổ xẻ thực trạng, mời chuyên gia cùng góp ý để có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Thiếu gần 3.000 giáo viên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ông Trần Đức Quý cũng nêu các chỉ số cho thấy chất lượng giáo dục thấp. Cụ thể, tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT và kết quả điểm thi trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT xếp ở vị trí thấp nhất so với các tỉnh/TP trong cả nước (63/63 địa phương). Tỉ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia chưa cao. Đội ngũ giáo viên thiếu và yếu, trong đó năm học tới toàn tỉnh thiếu 2.947 giáo viên, nhân viên. Đội ngũ cán bộ quản lý trường học một số nơi hạn chế nghiệp vụ quản lý. Năng lực đội ngũ nhà giáo cũng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là việc đổi mới phương pháp trong dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy học.

Hà Giang bàn kế sách 'thoát đáy' giáo dục ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ông Trần Đức Quý nêu thực trạng giáo dục địa phương.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu. Năm học 2022-2023, tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 64,1%; Số nhà vệ sinh đạt chuẩn thấp, không đạt chuẩn chiếm tới 54,4%, thậm chí nhiều cơ sở giáo dục không có nhà vệ sinh.

Học sinh ở các trường hay nghỉ học thất thường. Tỉ lệ học sinh bỏ học ở cấp THCS và THPT, GDTX khá cao. Quy mô trường, lớp học chưa hợp lý, còn 103 trường có quy mô nhỏ dưới 10 lớp; còn nhiều huyện do thiếu trường có cấp học THPT nên tỉ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS đi học THPT thấp dẫn tới nguy cơ thiếu nguồn cán bộ, nguồn lao động có trình độ đào tạo.

Hà Giang bàn kế sách 'thoát đáy' giáo dục ảnh 3

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang đề nghị cán bộ quản lý địa phương, ngành giáo dục nhìn thẳng vào thực trạng, đưa ra giải pháp để từng bước nâng chất lượng giáo dục.

Tỉ lệ học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, nhất là lớp 1 còn cao (từ 5-9%). Một số học sinh tiểu học hoàn thành chương trình cấp học lên học THCS chưa đọc thông, viết thạo, hạn chế khi thực hiện các phép tính đơn giản, nhất là các em ở vùng dân tộc thiểu số.

Điểm khảo sát vào các trường trọng điểm về chất lượng cấp THCS so với điểm trung bình học bạ có sự chênh lệch lớn.

Một khó khăn được Phó chủ tịch UBND tỉnh nêu đó là, học sinh vùng dân tộc thiểu số hạn chế về Tiếng Việt, đi học không thường xuyên và chưa có động cơ, ý thức trong học tập và tiếp tục học cao hơn. Trên địa bàn tỉnh chưa có trường ngoài công lập cấp học phổ thông. Không thực hiện được công tác xã hội hoá từ nhân dân trên địa bàn để đầu tư, hỗ trợ phát triển.

Tại hội nghị, đại diện các trường học, Phòng GD&ĐT cũng nêu thực trạng về thiếu đội ngũ, kết quả dạy học; kiểm tra, đánh giá chưa thực chất… phản ánh chưa sát chất lượng giáo dục địa phương. Đặc biệt, việc thiếu giáo viên các môn học mới như: Tin học, Tiếng Anh làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch dạy học.

Giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Quyền Bí thư tỉnh uỷ Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục địa phương thấp thời gian qua là do, cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thật sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Thực hiện đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nhưng lại phó mặc cho ngành giáo dục. Vai trò quản lý nhà nước từ cấp Sở đến các phòng GD&ĐT còn nhiều mặt hạn chế; chưa có chủ trương rõ ràng về kiểm soát, đánh giá chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông một cách thực chất từ sở đến phòng và các trường học; hệ thống quản lý chưa tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục.

Hà Giang bàn kế sách 'thoát đáy' giáo dục ảnh 4

Quyền Bí thư tỉnh uỷ Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng yêu cầu: đánh giá chất lượng giáo dục thực chất ở tất cả các cấp học, quyết tâm xóa bỏ “bệnh thành tích".

“Việc đánh giá chất lượng giáo dục ở nhiều trường chưa thực chất, còn nặng về thành tích do không có kỳ thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chung cuối kỳ, cuối năm, cuối cấp tiểu học, THCS”, ông Dũng nói.

Từ thực tế đó, ông Dũng đưa ra 9 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030.

Trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức phụ huynh học sinh về quan điểm nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với quản lý chuyên môn của ngành giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Xây dựng chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển giáo dục trong Nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã; hằng năm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục trên địa bàn. Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương ủng hộ cho phát triển giáo dục, tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa ngoài ngân sách để xây dựng, sửa chữa trường, lớp học, bổ sung đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Gắn kết quả hoàn thành việc thực hiện các tiêu chí về giáo dục với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp.

Củng cố và phát triển mạng lưới, quy mô trường, lớp học; cải thiện điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Tiếp tục rà soát, thực hiện sắp xếp, sáp nhập dồn các cơ sở giáo dục mầm non phổ thông trên địa bàn có số lượng lớp học sinh ít theo hướng tăng quy mô, giảm đầu mối.

Bên cạnh đó là yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, khẩn trương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên được giao; bố trí đủ kinh phí để thực hiện hợp đồng giáo viên nhằm đảm bảo đủ số lượng, định mức tỉ lệ giáo viên/lớp tại các cấp học. Xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá năng lực giáo viên toàn ngành để có căn cứ xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ. Quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông 2018 đồng thời phát triển đội ngũ nhà giáo tại chỗ và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Ngoài ra, Quyền Bí thư tỉnh Hà Giang nêu một loạt nội dung, kế hoạch yêu cầu triển khai trong thời gian tới, trong đó có yêu cầu xác định vấn đề xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục từ tỉnh đến huyện. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục của tỉnh, của huyện. Đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng; định kỳ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, ý kiến đóng góp, nhận xét theo quy định đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh.

Hiệu trưởng, giám đốc các trung tâm là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục của đơn vị quản lý. Củng cố đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán; làm tốt khâu đánh giá, lựa chọn đội ngũ, xây dựng quy chế làm việc và kế hoạch hoạt động, qua đó thực hiện tốt việc hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

"Yêu cầu thực hiện việc đánh giá chất lượng giáo dục thực chất ở tất cả các cấp học, quyết tâm xóa bỏ “bệnh thành tích” trong đánh giá chất lượng giáo dục. Cán bộ quản lý, giáo viên không nỗ lực nâng cao chất lượng một cách thực chất, để tồn tại “bệnh thành tích” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước các cấp quản lý cấp trên", quyền Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng nói.

"Đặc biệt, chú trọng giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy thực tế của giáo viên. Gắn trách nhiệm của giáo viên đứng lớp với việc bàn giao chất lượng cuối năm học để nâng cao trách nhiệm của giáo viên trong các nhà trường. Thực hiện ký cam kết chất lượng, gắn trách nhiệm của giáo viên với kết quả học tập của học sinh, tránh để xảy ra tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, hạn chế sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các bậc học. Trường hợp giáo viên có học sinh không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng phải chịu trách nhiệm trước các cấp quản lý và có trách nhiệm phụ đạo, dạy bổ sung kiến thức cho học sinh đến khi học sinh đó có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết", ông Dũng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG