Ngã rẽ cuộc đời từ lần “du học hụt”
Sau khi tốt nghiệp THPT tại “trường làng” Tiên Lãng ở Hải Phòng, Bình khăn gói bước vào học chuyên ngành Điện tử Viễn thông tại Trung tâm kỹ sư tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Lý giải việc không theo ngành y, dù đỗ cả Đại học Y năm ấy với mức 29 điểm, Bình cho hay: Chọn học Bách khoa vì Trung tâm kỹ sư tài năng là nơi tập trung các sinh viên ưu tú nhất của trường. Cả khóa học Điện tử Viễn thông chỉ có 18 sinh viên đủ điều kiện.
Năm 2012, chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp đại học loại Giỏi nhưng Bình có nhiều do dự khi phải ra quyết định “sống còn”: Đi làm luôn hay học tiếp ở nước ngoài như 2/3 bạn học cùng lớp đã chọn. Sự lựa chọn khó khăn vì Bình dành được suất học bổng du học của Intel nhưng cũng bị hấp lực từ Viettel. Sau 6 tháng trải qua nhiều vòng phỏng vấn, tháng 9/2012, Bình được nhận về làm việc tại Viện Nghiên cứu phát triển của Viettel. “Nhưng sau Hội đồng phỏng vấn có hỏi ý kiến để chuyển em về Ban Kỹ thuật của Tập đoàn. Tham khảo ý kiến một người anh quen từ trước, em thấy tò mò và cũng muốn chấp nhận thử thách, liền nhận lời về làm việc tại ban. Giờ nhìn lại thì quyết định này chính là bước ngoặt trong cuộc đời em”, Bình chia sẻ.
Bình cho hay, khi tuyển vào Viện Nghiên cứu phát triển, các nhân sự được nhận vào cùng đợt của Bình được hưởng cơ chế lương ưu đãi cao hơn đơn vị khác và những người tốt nghiệp đại học bằng giỏi như Bình đều được nâng lương trước 1 bậc. Tuy nhiên, vì một mình một hướng chọn về Ban Kỹ thuật Tập đoàn nên lương khởi điểm của Bình được xếp vào nhóm thấp nhất trong số các nhân viên được tuyển cùng đợt. “Lương thấp hơn hẳn các bạn khác nhưng ngày đó, khi ra trường được làm việc tại dự án lớn nên em rất hứng khởi và cũng không đặt mục tiêu quá nhiều về lương mà xác định đi làm với sự hào hứng và thích thú”, Bình nói.
Thời điểm bước chân vào làm việc tại Ban Kỹ thuật Viettel, cũng là khi Viettel vừa sát nhập EVN Telecom với lực lượng nhân sự hùng hậu và ngay sau đó mở ra dự án kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền. Nhân sự mới toanh, dự án càng mới hơn, chỉ có Bình và một vài anh em bắt tay triển khai dự án với xuất phát điểm từ con số 0. Đây cũng chính là bước ngoặt để Bình bước vào bệ phóng nghiên cứu hàng loạt các giải pháp triển khai đem lại hiệu quả cao cho tập đoàn và đơn vị.
Sau hơn 4 năm làm ở Ban Kỹ thuật của tập đoàn Viettel, Bình chuyển xuống làm Phó phòng cố định băng rộng của Tổng Công ty Mạng lưới (Viettel Net). Chỉ sau 1 năm, tháng 7/2017, Bình được lãnh đạo đơn vị bổ nhiệm làm Trưởng phòng.
“Vào Viettel em được học và kế thừa rất nhiều trong lĩnh vực kỹ thuật. Đây là môi trường đã giúp em trưởng thành rất nhiều”, Bình nói.
Dò đá qua sông
Chia sẻ về những dự án đã được triển khai thành công, Bình cho hay, có 2 thời điểm đáng ghi nhớ nhất chính là việc Bình được tham gia nghiên cứu, lựa chọn thành công công nghệ cung cấp Internet băng rộng giúp Viettel xây dựng một dịch vụ có chất lượng tốt, tạo ra ưu thế cạnh tranh lớn, trở thành nền tảng chính cung cấp dịch vụ Internet và đến nay, đã có hơn 3 triệu khách hàng sử dụng công nghệ này. Đặc biệt Bình được tham gia dự án xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý lỗi gập ống lỏng chứa sợi quang khi thi công hạ tầng cố định,tiết kiệm chi phí và thời gian xử lý lỗi cho hơn 2.000 đội công nhân kỹ thuật.
Thời điểm năm 2012 - 2013 khi Viettel chuyển dịch sang cáp quang. Qua nghiên cứu, nhóm của Bình nhận thấy cáp viễn thông thông thường có 24 sợi và trong đó có 4 ống lỏng, mỗi ống lỏng chứa 6 sợi quang. Vì vậy khi thi công, công nhân kỹ thuật kéo hết một đoạn lại phải cắt sợi cáp đó ra và cắt luôn cả 24 sợi, nhưng lại chỉ dùng đúng 1 sợi để nối vào thiết bị cho khách hàng. Sau khi nghiên cứu, Bình nhận thấy, cách làm này vừa tốn kém cho đơn vị vừa mất nhiều thời gian để hàn nối cáp nếu kéo cho nhiều tủ thuê bao, chưa kể còn làm suy hao tín hiệu.
“Sau đó bọn em tìm hiểu và nghĩ cách cải tiến các dây cáp hiện tại bằng cách giảm số sợi trong ống lỏng từ 6 xuống còn 2 và thực hiện phương pháp tách ống khi kết nối với tủ cáp. Phương pháp này đã giúp giảm chi phí thi công và tăng chất lượng dịch vụ. Kể lại thì đơn giản như vậy nhưng chúng em phải làm đi làm lại rất nhiều lần, đối mặt không ít thách thức trong suốt 1 năm trời mới tìm ra phương cách giải quyết”, Bình nhớ lại.
Kỷ niệm khác về nghiên cứu đáng nhớ nhất, theo Bình, chính là việc Viettel có định hướng chiến lược đẩy nhanh việc phổ cập mạng băng rộng FTTH tại tất cả xã phường 63 tỉnh thành trong cả nước. Khó khăn đặt ra, là khi tiếp cận vùng thưa dân này thì cách triển khai mạng băng rộng cũ mà Viettel đã làm không phù hợp. Nếu cứ áp dụng cách làm cũ thì rất tốn kém.
“Ngày đó mới ra trường được giao những dự án quan trọng như vậy cũng vinh dự lắm nhưng nhiều lúc em cảm thấy như điều không tưởng. Nhưng với định hướng đúng đắn, bọn em bắt đầu làm với sự tư vấn, phản biện từ các chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều tập đoàn lớn khác nhau của thế giới. Và dự án đến nay đã được thành công”, Bình kể.
Dù được coi là “cây sáng kiến”nhưng cũng không ít lần Bình và các cộng sự của Bình phải đối mặt với sự phản ứng từ nhiều bộ phận khác nhau trong đơn vị. “Thậm chí nhiều người còn nói thẳng: Cái này không làm được, chẳng ai làm như thế cả. Cái này rồ à mà làm”, Bình kể và cho rằng, chính việc có niềm tin điều mình đang làm là hiệu quả đã giúp mình và đội nghiên cứu đạt được thành công.
Trao đổi với PV Tiền Phong, theo Phó tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng, Vũ Văn Bình không chỉ là gương mặt trẻ xuất sắc của tập đoàn mà còn là một Bí thư Đoàn năng nổ đi đầu và luôn lo toan cho anh em. Điểm “khoái” nhất ở Bình được các lãnh đạo đơn vị đánh giá cao chính là thái độ làm việc lăn xả hết mình và khá thẳng thắn, không ngại “vai chạm” với lãnh đạo trong việc đưa ra các quan điểm. “Không ít lần lãnh đạo đơn vị đã “thua” và nghe theo lời thuyết phục của Bình. Như lần làm về tối ưu hóa chí phí làm cáp quang năm 2017, chúng tôi đã tranh luận khá căng thẳng. Nhưng sau nhìn lại thì thấy cách làm Bình đưa ra hợp lý và chúng tôi đã cho triển khai”, ông Thắng nhớ lại.
“Có những đêm mình em ngồi đến 5 giờ sáng để cố tìm thêm cơ sở logic tiếp cận vấn đề. Nhiều khi bọn em cũng bế tắc chưa ra được phương án ngay dù đã qua hội thảo và trao đổi, sát đến thời điểm phải bảo vệ, triển khai. Sau nhiều lần, chúng em đã rút được kinh nghiệm, nhìn lại logic phương pháp tiếp cận vấn đề sau đó xem xét gỡ dần những điểm khó khăn, vướng mắc.Vũ Văn Bình, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017