GS Phạm Minh Hạc nói gì về đề xuất bỏ miễn học phí sinh viên sư phạm

GS Phạm Minh Hạc
GS Phạm Minh Hạc
TPO - “Sao gọi lãng phí được. Khi tiêu không chính đáng, không đúng mục đích nên sao gọi chính sách này là lãng phí. Nếu mình nuôi các em sinh viên sư phạm ra một đội ngũ giáo viên tốt thì đấy là một diễm phúc của dân tộc”- GS Phạm Minh Hạc nói như vậy khi có đề xuất bỏ chính sách miễn học phí với sinh viên sư phạm.

Ngày 13/12, tại hội thảo khoa học Tác động chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM cùng nhiều lãnh đạo các trường thẳng thắn "nên bỏ ngay" chính sách miễn học phí với sinh viên sư phạm. Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn GS Phạm Minh Hạc -Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

 Sao nói là lãng phí được?

PV: Nhiều hiệu trưởng đề xuất nên bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vì lãng phí. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

GS Phạm Minh Hạc: Sao gọi lãng phí được. Khi tiêu không chính đáng, không đúng mục đích nên sao gọi chính sách này là lãng phí. Nếu mình nuôi các em sinh viên sư phạm để sau này ra một đội ngũ giáo viên tốt thì đấy là một diễm phúc của dân tộc.

Việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm là việc phải đặt trong tổng thể, chứ tự nhiên đặt vấn đề bỏ học phí thì tôi nghĩ không bao giờ nên đặt vấn đề như vậy.

PV: Vậy theo ông, việc “dẹp” miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm có nên thực hiện ngay hay cần lộ trình?

Thực hiện Nghị quyết 29 của TW là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà thì vấn đề chất lượng đào tạo giáo viên là một đại vấn đề. Nhưng với tình hình như hiện nay sẽ khó có thể thực hiện được Nghị quyết 29. Cho nên, việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm là một việc cụ thể, tôi nghĩ không nên đưa ra mà phải xét một cách tổng thể toàn bộ vấn đề đào tạo giáo viên. Trong đó, có vấn đề có phải đóng tiền học phí hay không?

Riêng tôi nghĩ rằng phải có biện pháp khuyến khích người giỏi. Ví dụ, như ở Phần Lan, ở  đó người giỏi nhất trong lớp 12 sau đó sẽ vào trường sư phạm. Không chỉ nước Phần Lan mà Hàn Quốc và một số các nước phát triển khác, lương giáo viên rất cao và vào học sư phạm không bao giờ phải đóng tiền cả. 

Cái đó, mình phải học kinh nghiệm các nước như vậy để củng cố và phát triển nền giáo dục nước nhà theo nghị quyết 29.

Vậy theo ông, vấn đề xuất miễn học phí đưa  ra có cần thiết hay không?

Theo tôi, không nên đặt vấn đề đó ra. Tất nhiên, không chỉ miễn học phí là đủ mà phải củng cố các trường sư phạm mới đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục nước nhà được. Chỉ đặt vấn đề học phí và miễn học phí cho sinh viên vào sư phạm chỉ là nhỏ thôi. Không bao giờ có chuyện muốn phát triển giáo dục mà tuyển vào trường sư phạm toàn người kém và phải đóng học phí. Chuyện này nghe rất kì lạ. 

Không để các trường sư phạm bị thiệt thòi

PV: Nhưng lãnh đạo nhiều trường nói vấn đề miễn học phí đó hiện nay đã “lỗi thời” rồi, ý kiến của ông như thế nào?

Vấn đề này Chính phủ, TW Đảng và Quốc hội phải đặt ra chứ không để các trường sư phạm bị thiệt thòi. Tình hình đã phức tạp không nên trả lời chỉ là trả học phí hay không. Đó chỉ là một vấn đề rất quan trọng nhưng nằm trong một hệ thống vấn đề chứ không phải giải quyết một chuyện như thế được.

PV: Vậy theo ông, có cách nào để “hút” hút sinh viên sư phạm trong thời gian tới?

Tôi nghĩ các đồng chí lãnh đạo, Bộ GD&ĐT biết cả. Có lúc, trường sư phạm 15 năm về trước lấy 24-25 điểm nhưng có lúc chỉ lấy 0,28 điểm. Hiện nay, các nước làm tốt giáo dục là làm tốt khâu sư phạm, khâu đào tạo ở các trường sư phạm mà vấn đề học phí chỉ là vấn đề nhỏ.

Tôi nghĩ, cần đặt lại vấn đề đào tạo giáo viên theo đúng yêu cầu và chức năng của nó. Các trường sư phạm phải được củng cố, người vào học sư phạm học phí được miễn, có người dạy giỏi và tuyển sinh phải những người điểm cao mới vào ngành sư phạm. Chính sách thì các nước làm cả rồi, các biện pháp thì các nhà quản lý đều hiểu cả.

PV: Mới đây, có đề xuất là xếp lương giáo viên vào thang bảng lương ở bậc cao nhất? Ông có ý kiến gì về đề xuất này?

Lương là vấn đề của Chính phủ, TW, Quốc hội nhưng chỉ ra một Nghị quyết thôi thì không đủ. Đề xuất xếp lương giáo viên vào thang bảng lương ở bậc cao nhất theo tôi cũng khó. Nhưng cái chính người ta không sống bằng lương. Người ngoài nhà nước thì lương cao rồi nhưng người ta vẫn sống bằng phụ cấp, trợ cấp. 

Vấn đề phụ cấp của giáo viên hiện đã bất cập và quá đáng quá rồi. Ai cũng phải sống bằng lương nhưng nếu ngoài nhà nước lương cao hẳn thì dòng chảy những người trong nhà nước sẽ “nhảy” ra ngoài nhà nước.

MỚI - NÓNG