GS Nguyễn Văn Minh chỉ rõ bất cập của trường sư phạm

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, dù thế nào cũng phải làm sao cho giáo sinh trường sư phạm phải cảm thấy tự hào. Ảnh: Như Ý.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, dù thế nào cũng phải làm sao cho giáo sinh trường sư phạm phải cảm thấy tự hào. Ảnh: Như Ý.
TP - "Bộ GD&ĐT chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu, các trường sư phạm đang tồn tại rất nhiều trình độ đào tạo, nguồn lực tài chính đầu tư cho sinh viên và cuối cùng phân bổ đội ngũ, tình trạng thừa thiếu đang diễn ra...",  GS Nguyễn Văn Minh nêu rõ những bất cập của trường sư phạm. 

Sáng 11/8, vấn đề tuyển sinh của các trường sư phạm là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD&ĐT tổ chức.  

Quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm

Vấn đề khiến dư luận lo lắng trong thời gian qua, đó là điểm vào các trường sư phạm, đặc biệt là các trường CĐ sư phạm thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Phát biểu tại hội nghị, GS. Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết có một số bất cập đối với các trường sư phạm hiện nay. Thứ nhất, Bộ GD&ĐT chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu. Thứ hai, trong các trường sư phạm đang tồn tại rất nhiều trình độ đào tạo. Thứ ba là nguồn lực tài chính đầu tư cho sinh viên và cuối cùng phân bổ đội ngũ, tình trạng thừa thiếu đang diễn ra.

Theo GS. Nguyễn Văn Minh, cần phải có kế hoạch để đầu tư cho các trường sư phạm. “Nếu cứ bình quân mãi như hiện nay thì sẽ không có những trường đỉnh cao. Cần phải tập trung nghiên cứu về dân số, về quy mô, về độ tuổi, về phân bố địa lý, về dự báo số lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu mô hình, cách thức có trọng tâm trọng điểm, đánh giá năng lực của từng trường để có nguồn lực đầu tư. Vì vậy, quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm là cần thiết” - GS. Minh khẳng định.

GS. Nguyễn Văn Minh cho rằng, khi quy hoạch, cần phải có định hướng rõ ràng, đâu là trường trung tâm, đâu là phân hiệu, đâu là cơ sở đào tạo vệ tinh. Có như thế mới phân công được nhiệm vụ nơi nào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi nào đào tạo theo nhu cầu, nơi nào là nơi đào tạo bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

Hiện nay, đang tồn tại một thực trạng, các trường địa phương, các trường cao đẳng, đặc biệt là tuyển dụng giáo viên của các sở đang vượt qua chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Nếu không có sự vào cuộc của các UBND tỉnh thì khó thực hiện được việc quy hoạch mạng lưới.  Phải trả công tác giáo dục cho ngành giáo dục.

Cần phải có kế hoạch để đầu tư cho các trường sư phạm. Nếu cứ bình quân mãi như hiện nay thì sẽ không có những trường đỉnh cao. 

GS. Nguyễn Văn Minh

GS. Trần Văn Nam, giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết thêm, tỷ lệ sinh viên đào tạo sư phạm trong trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong số 2000 chỉ tiêu năm nay của trường thì các ngành sư phạm chỉ có 400.  Để ngành sư phạm tránh tình trạng đào tạo thừa giáo viên như hiện nay, GS. Trần Văn Nam kiến nghị,  Bộ giao chỉ tiêu cho các trường ĐH sư phạm hay cao đẳng sư phạm dựa vào dữ liệu báo cáo nhu cầu nguồn nhân lực ngành này tại các địa phương.

“Một trong những nguyên nhân khiến thí sinh năm nay không tha thiết vào ngành sư phạm đó là đầu ra khó khăn, nguồn nhân lực dư thừa nhiều” - GS. Trần Văn Nam nhấn mạnh. Khi nhà nước đặt hàng, nhà nước trả tiền thì sẽ hoàn toàn có thể yêu cầu mức điểm chuẩn đầu vào đối với ngành sư phạm. Rồi đầu ra cũng có quy định phải đạt được tiêu chuẩn nhất định thì mới được tuyển dụng.

Hiệu trưởng trường ĐH Đà Lạt, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng thời gian tới cần thiết quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. “Các trường sư phạm là bộ máy cái, cần cân nhắc kỹ lưỡng, có trách nhiệm khi mở các trường ĐH sư phạm, các khoa sư phạm trong các trường ĐH đa ngành. Vùng 3 Tây Nguyên  thì nên duy trì có một trường sư phạm. Còn lại tất cả gom vào thành một trường ĐH sư phạm trong đó kể cả đào tạo cao đẳng. Còn hiện nay đang chồng chéo lẫn nhau”  - ông Hòa cho hay.

Phải giao chỉ tiêu như công an, quân đội

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ  cho rằng dư luận nên nhìn nhận toàn diện và thấu đáo về đầu vào của các ngành sư phạm. Bởi lẽ nếu phân tích thì không phải ngành Sư phạm nào năm nay cũng có đầu vào quá thấp. Có những phân ngành điểm trúng tuyển vẫn khá cao hoặc ở mức tương đối nhưng cũng có phân ngành điểm thấp, nhất là ở các trường cao đẳng có đào tạo ngành Sư phạm. Theo Bộ trưởng, sắp tới Bộ GD&ĐT quyết tâm xây dựng chuẩn trường Sư phạm. Tới đây sẽ quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường ĐH sư phạm lớn, dần dần có chính sách để đầu ra - đầu vào hợp lý với sự phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan.

Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán sao cho phù hợp. Trong đó việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh.

“Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được. Nhưng tôi cũng lưu ý, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Dù thế  nào cũng phải làm sao cho giáo sinh trường sư phạm phải cảm thấy tự hào” – người đứng đầu ngành giáo dục nói.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.