Gói hỗ trợ DN vay trả lương và an sinh cho lao động: Doanh nghiệp và lao động đều mong

Doanh nghiệp đang “sốt ruột” chờ các gói giải pháp từ Chính phủ. Ảnh: Như Ý
Doanh nghiệp đang “sốt ruột” chờ các gói giải pháp từ Chính phủ. Ảnh: Như Ý
TP - Việc đề xuất cho doanh nghiệp (DN) vay tiền để trả lương cho người lao động bị tạm thời mất việc và các gói hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động mất việc đang được nhiều DN và người dân chờ đợi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đề xuất các gói hỗ trợ cần phải quy định rõ ràng và cụ thể hơn.

Trước tình hình dịch COVID -19 kéo dài gây khó cho sản xuất kinh doanh của DN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có một số đề xuất hỗ trợ.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 100% DN và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Đồng thời, trong điều kiện DN khó khăn, Bộ đề xuất Chính phủ cho vay tiền không tính lãi để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp lao động thôi việc và
mất việc…

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, vấn đề cấp bách nhất của DN dệt may hiện nay là đảm bảo đời sống cho người lao động.

Theo ông Việt, dù việc xuất khẩu bị đình trệ, doanh nghiệp giảm giờ làm nhưng vẫn phải trả lương cơ bản cho công nhân với mức trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng. DN quy mô vừa, khoảng 1.000 lao động, mỗi tháng họ phải chi trả hơn 6 tỷ đồng tiền nhân công, chưa kể một số DN lớn hiện có 5.000 - 10.000 lao động, số tiền trả lương hằng tháng lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong khi dòng tiền đang bị đọng lại trong nguyên phụ liệu và hàng lưu kho.

“Nếu không giải quyết tốt bài toán này, không chỉ DN bị ảnh hưởng mà còn tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Do đó, việc đề xuất cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương cho người lao động trong trường hợp này là điều cần thiết”, ông Phạm Văn Việt nói. 

Ông Đoàn Tiến Dũng, TGĐ Cty Cổ phần may Nam Hà cho biết, đối với những DN sử dụng nhiều lao động, trong lúc này vấn đề tiền lương và bảo hiểm xã hội là hai gánh nặng lớn nhất.

Việc Chính phủ cho phép tạm dừng đóng trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020 tạo điều kiện cho doanh nghiệp có không gian để xoay xở. Tuy nhiên, đối với yêu cầu DN trả lương theo mức tối thiểu cho người lao động bị ngừng việc làm, ông Dũng cho rằng, điều này không nên, bởi sẽ tạo thêm gánh nặng cho họ. “Khi lao động nghỉ việc, sẽ có bảo hiểm thất nghiệp chi trả. Những khoản này doanh nghiệp đã thực hiện đóng từ trước đến nay. Tiền lương hay trợ cấp nên để DN và người lao động tự thỏa thuận sẽ tốt hơn”, ông Dũng cho hay.

Tập trung hỗ trợ lao động mất việc làm

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc yêu cầu các DN chi trả lương theo mức tối thiểu là hết sức khó khăn trong trường hợp dịch bệnh kéo dài. Lúc đó, những DN vừa và nhỏ sẽ không đủ sức chịu đựng.Trong trường hợp cần thiết, có thể cho DN linh hoạt cơ chế trả lương với người lao động, thậm chí dưới mức lương tối thiểu nếu hai bên duy trì được mối quan hệ.

Đối với đề xuất cho DN vay tiền để trả lương cho người lao động, theo ông Huân cần phải tính toán và xác định rõ như thế nào sẽ được vay, DN nào có thể gặp khó khăn, phá sản. Do đó, cần phân loại DN bị tác động bởi dịch bệnh để có mức hỗ trợ tương xứng.

Đối với người lao động mất việc có nhu cầu đào tạo nghề, đi tìm việc làm mới cần hỗ trợ họ tìm được việc làm mới nhanh nhất. Chẳng hạn như hỗ trợ kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trường hợp người mất việc có nhu cầu học nghề nên hỗ trợ họ một phần hoặc toàn bộ kinh phí học nghề.

Với lao động thiếu việc làm, phải giãn, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, hoãn hợp đồng lao động do dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tính toán hỗ trợ thêm cho người lao động khi họ bị giảm lương, giảm thu nhập.

“Bộ LĐ-TB&XH có thể tính toán để mỗi đối tượng có một gói hỗ trợ riêng. Gói dành cho người lao động, gói cho doanh nghiệp, gói cho an sinh xã hội”, ông Huân nói.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của Luật Lao động 2012 và hướng dẫn mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH về việc thực hiện việc chi trả lương cho lao động do ảnh hưởng dịch COVID - 19, đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần thiết phải hỗ trợ. Do đó, cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương chỉ tác động đến một bộ phận lao động còn đang làm việc. Còn số đông lao động bị mất việc sẽ khó tiếp cận. Do đó, cần có chính sách đặc biệt để hỗ trợ cho lao động này.

Chiều 30/3, trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Lê Quân cho biết, hiện tại, đề xuất cụ thể của Bộ LÐ-TB&XH liên quan đến việc hỗ trợ cho người lao động và DN bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Dự kiến hôm nay sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Theo Thứ trưởng Quân, việc hỗ trợ lần này phần lớn sẽ tập trung vào người lao động. Lao động ngừng việc sẽ được vay vốn ưu đãi 6 tháng, trong đó ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động không có quan hệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị…

MỚI - NÓNG