Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ 'có quy mô lớn nhất từ trước đến nay'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đã cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội.

Sáng 19/1, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Theo ông Cường, sau 4,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp.

“Thành công của kỳ họp tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động vì lợi ích của nhân dân, luôn trăn trở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn”, ông Cường nhấn mạnh.

Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ 'có quy mô lớn nhất từ trước đến nay' ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh QH

Về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Đây là một trong những nội dung lớn, quan trọng nhất của kỳ họp, đã được Quốc hội dành thời gian thỏa đáng, phù hợp để thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khắc phục những thiệt hại do đại dịch COVID 19 gây ra, khôi phục lại thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đưa nền kinh phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới.

“Đây cũng là quyết đáp đặc biệt quan trọng nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Việc thông qua Nghị quyết này với gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và chỉ thực hiện trong 2 năm 2022-2023 đã cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội trong việc đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để vững bước đi lên”, ông Cường nêu rõ.

Về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025: Dự án là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Sau khi xem xét, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết và yêu cầu Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, Quốc hội yêu cầu phải chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết phải bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách…

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự: Đây là nội dung rất phức tạp, có phạm vi rộng, điều chỉnh nhiều đối tượng khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau và được xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.

Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật ngay tại kỳ họp bất thường (thay vì phải chờ thêm ít nhất 5 tháng nữa theo quy trình làm việc thông thường) có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ và sự chủ động của Quốc hội trong việc nỗ lực tối đa để kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ: Đây cũng là vấn đề lớn, quan trọng và cấp thiết nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng thành phố Cần Thơ.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với 8 nhóm chính sách, trong đó có 6 nhóm chính sách đã cho phép áp dụng ở một số địa phương trong thời gian vừa qua; có 2 chính sách đặc thù khác, tương thích với đặc điểm riêng của địa phương để nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực để địa phương phát triển.

Dự thảo Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao, làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của kỳ họp. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện và ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, Quốc hội cũng yêu cầu phải nâng cao hơn nữa năng lực quản lý nhà nước của ngành y tế, đặc biệt là trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để chủ động phát hiện và xử lý sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.