'Gối đầu' làm luật, chất lượng không đảm bảo sẽ phải gác lại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 22, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, cấp bách thuộc thẩm quyền.

Trân trọng sáng kiến lập pháp của đại biểu

Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, có 137 nhiệm vụ phải rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, không tính những việc bất thường và đến nay đã thực hiện xong 111 nhiệm vụ. Dự kiến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật, 4 nghị quyết, cho ý kiến 9 dự án luật khác.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5. Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 22/5, bế mạc vào ngày 20/6, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày, dự kiến nghỉ một tuần vào giữa kỳ họp.

Như vậy, kỳ họp thứ 5 có tới 20 dự án cần xem xét, gấp đôi so với những kỳ họp bình thường, do vậy khối lượng công tác lập pháp rất nặng. Chủ tịch Quốc hội lưu ý về công tác phối hợp, nếu gấp quá thì không đảm bảo chương trình, chất lượng cũng rất hạn chế. “Không đảm bảo được chất lượng cũng như không đảm bảo được quy trình thì vẫn phải bỏ lại”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 5 để Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp với 2 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM.

'Gối đầu' làm luật, chất lượng không đảm bảo sẽ phải gác lại ảnh 1

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cử tri và nhân dân cả nước lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông vẫn tiếp tục xảy ra, hậu quả nghiêm trọng. (Trong ảnh là vụ tai nạn giao thông khiến 8 người tử vong ở Quảng Nam, ngày 14/2). ảnh: Hoài Văn

Cũng tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới để hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới. Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu thu hẹp hơn phạm vi điều chỉnh của luật và cân nhắc thời điểm trình phù hợp để có thêm thời gian nghiên cứu, xây dựng dự án luật.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần chú trọng đến tính nối tiếp, “gối đầu” trong trình tự giải quyết công việc, tránh để kỳ họp quá nhiều hay quá ít dự án luật được thông qua. “Những gì thực sự cấp bách, có chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đã rõ và có sự đồng thuận cao thì chúng ta làm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đồng thời thể hiện sự trân trọng, khuyến khích và ủng hộ đề xuất xây dựng luật của đại biểu Quốc hội.

Về Luật Bản dạng giới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chuẩn bị thêm, tới phiên họp tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến.

Bình ổn giá khi tăng lương cơ sở

Chiều 10/4, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội. Theo ông Bình, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm, đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và địa phương tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; Quy định của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị…

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cả nước phản ánh và lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra; việc ma túy tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam thông qua tiếp viên hàng không; tình trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, số lượng người muốn rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng; lo lắng lạm phát có khả năng xảy ra khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023…

Cũng theo ông Dương Thanh Bình, gần đây cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ ngành và các địa phương đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; có giải pháp bình ổn giá khi tăng lương cơ sở từ 1/7/2023…

Quan tâm đến thực trạng lao động mất việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh viện dẫn con số quý I năm nay, cả nước có 294.000 lao động nghỉ, giãn; 149.000 lao động mất việc làm; tỷ lệ lao động nghỉ, giãn, mất việc làm có xu hướng tăng ở các tỉnh phía Nam. Ông Vinh đề nghị đánh giá sâu hơn vấn đề này, bởi sức mua trên thị trường giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu tướng tăng. Theo ông, vấn đề lao động việc làm cần được giải quyết ngay, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.