Góc khuất trong đại án xăng dầu giả

0:00 / 0:00
0:00
Nhìn lại quá trình điều tra, bóc gỡ, triệt xóa đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu này mới thấy sự tính toán tinh vi của các đối tượng…

Phan Thanh Hữu, sinh năm 1957, từng làm việc tại Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) từ những năm 1990. Với mục đích phục vụ cho việc buôn lậu xăng, dầu từ Singapore về Việt Nam bằng đường thủy, năm 2019 Hữu đã hoán đổi tiền góp vốn tại Công ty TNHH Hưng Lộc Phát để nhận lại 4 tàu thủy cỡ lớn.

Góc khuất trong đại án xăng dầu giả ảnh 1

Tàu dùng vận chuyển xăng nhập lậu, xăng giả của Phan Thanh Hữu.

Có tàu trong tay, Hữu tìm đến Đào Ngọc Viễn, sinh năm 1968, tại TP Hồ Chí Minh, một mối quen biết từ trước để thực hiện ý định này. Bởi Hữu biết rõ Viễn đang điều hành Công ty THHH Đại Dương Hải Phòng chuyên vận chuyển xăng, dầu là một trong những người có mối quen biết và quan hệ rộng với một số cá nhân làm trong lực lượng chức năng. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi Hữu và Viễn ngồi lại với nhau bàn kế buôn lậu xăng, dầu từ năm 2019.

Để có thêm nguồn lực tài chính và chân “trong”, chân “ngoài”, Hữu và Viễn đã liên hệ với Đại tá Phùng Danh Thoại, Trưởng phòng Xăng dầu - Cục Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và 2 đối tượng khác là Phạm Hùng Cường, sinh năm 1966, ngụ TP Hải Phòng cùng một người tên Trọng (chưa rõ lai lịch) góp vốn cùng Phan Thanh Hữu với tổng số tiền gần 54 tỷ đồng để thực hiện hoạt động buôn lậu xăng, dầu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ. Trong phi vụ này, Hữu và Viễn đã bàn bạc, thống nhất với những người góp vốn bằng tỷ lệ ăn chia 60- 40% lợi nhuận.

Đã hiểu quá rõ về quy trình hoạt động vận chuyển xăng, dầu trên biển, nên để che giấu hành vi buôn lậu, Viễn đã giao cho Nguyễn Minh Khoa, sinh năm 1970, ngụ TP Hải Phòng làm đại diện Công ty THHH VTB Thuận Phát để ký hợp đồng thuê tàu Pacific Ocean. Sau đó, công ty này tiếp tục ký hợp đồng cho một doanh nghiệp của Trung Quốc thuê lại tàu Pacific Ocean nhằm che giấu hành vi vận chuyển xăng dầu từ Singapore về Việt Nam.

Dù đi thuê tàu rồi cho thuê lại lòng vòng như vậy nhưng thực tế, cơ quan Công an đã chứng minh con tàu này chỉ vận chuyển khi có lệnh của Viễn và Phạm Hùng Cường. Việc mua xăng cũng được Hữu tính toán khá kỹ với “chiêu” mua bán qua trung gian để che mắt cơ quan chức năng. Hữu thường hẹn một người Trung Quốc tên là A Hùng, đại diện chủ hàng tại Singapore ở Việt Nam ngay tại TP Hồ Chí Minh để giao tiền mua xăng lậu, mỗi lần từ 400.000 đến 1.200.000 USD; mỗi tháng nhóm của Hữu nhập lậu từ 3 đến 6 chuyến, mỗi chuyến từ 3.800.000 đến 5.000.000 lít xăng.

Việc vận chuyển cũng được Hữu tính rất kỹ khi thuê Đinh Văn Đoàn, sinh năm 1969, tại TP Vũng Tàu làm giám đốc Công ty TNHH Hải Minh Nhật đứng tên các tàu mang tên Nhật Minh để vận chuyển xăng nhập lậu. Sau khi tính toán cách thức mua bán và vận chuyển xăng lậu trót lọt về Việt Nam, việc còn lại là sản xuất bằng cách “phù phép” để xăng màu trắng từ Singapore chuyển thành xăng màu vàng nhạt giống xăng tại thị trường Việt Nam nhằm không bị cơ quan chức năng phát hiện xăng lậu.

Để “đổi màu” cho số xăng nhập lậu, Hữu khai nhận đã lên mạng tìm và mua bột màu cùng dung môi dùng pha chế của một đối tượng tên Vinh tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Bột màu và dung môi sau đó được Hữu giao cho đàn em hoặc tay chân làm thuê chở về các kho, đợi tàu vận chuyển xăng lậu về sẽ lập tức pha trộn theo công thức được Hữu ghi tỷ mỉ cho từng tàu, tùy theo số lượng xăng lậu.

Để hợp thức hóa số xăng nhập lậu này, Hữu đã sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Hải Minh Nhật lập khống hóa đơn vận chuyển xăng cho Công ty Phan Lê Hoàng Anh do Phan Thanh Hữu làm Giám đốc. Sau đó giao cho các lái tàu mang tên Nhật Minh để đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra. Ma mãnh hơn, Hữu còn thỏa thuận với Nguyễn Hữu Tứ và Lê Thanh Trung, giám đốc Công ty Tây Nam sử dụng pháp nhân của Công ty Tây Nam để xuất hóa đơn GTGT cho Công ty Phan Lê Hoàng Anh với số lượng 2 triệu lít.

Để có thể lôi kéo Trung vào việc này, Hữu phải chấp nhận điều kiện là cho Trung mượn 10 tỷ đồng để Trung nhập xăng RON 95 hợp pháp về kho, sau đó bán ra cho nhiều nơi khác nhau mà không xuất hóa đơn để thể hiện tồn kho luôn ở mức 2 triệu lít. Hữu, Tứ và Trung đã bàn bạc, lập ra kho bãi và thỏa thuận giá bán xăng nhập lậu rẻ hơn giá xăng hiện hành của Petrolimex đang bán trong nước từ 2.700 đồng đến 4.000 đồng/lít.

Góc khuất trong đại án xăng dầu giả ảnh 2

Kiểm tra một doanh nghiệp và cây xăng tiêu thụ xăng giả.

Đồng thời chúng lập ra hệ thống các tàu giao, nhận hàng từ kho chứa hàng lậu Nam Phong tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An để vận chuyển số xăng lậu này đưa đi tiêu thụ. Quá trình mua, bán xăng lậu đều được các đối tượng chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng. Với thủ đoạn tổ chức hệ thống chặt chẽ như vậy, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Đào Ngọc Viễn và Phan Thanh Hữu cùng đồng phạm đã vận chuyển số lượng xăng nhập lậu đến tỉnh Vĩnh Long bán cho Nguyễn Hữu Tứ và Trần Thanh Vân với số lượng 198 triệu lít. Số xăng nhập lậu đã được bán ra thị trường là 196 triệu lít, thu về tổng số tiền hơn 2.794 tỷ đồng.

Trong đó, Phan Thanh Hữu hưởng lợi số tiền lên tới 105 tỷ đồng. Qua giám định các mẫu xăng thu thập, cơ quan Công an xác định các mẫu xăng đều chứa thành phần MTBE vượt ngưỡng tiêu chuẩn của Việt Nam làm giảm tuổi thọ của động cơ máy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đây là loại xăng giả xăng RON 95.

Để thực hiện trót lọt việc buôn lậu số lượng xăng rất lớn trên, các đối tượng không phải không gặp khó khăn bởi sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Đoán trước được “cuộc chơi”, nên các đối tượng bằng mọi cách tiếp cận và đưa tiền hối lộ nếu bị theo dõi kiểm tra. Cụ thể, trong quá trình Phan Thanh Hữu điều hành các tàu vận chuyển xăng nhập lậu về tỉnh Vĩnh Long thì Nguyễn Hữu Tứ nhận được thông tin có lực lượng điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan đang triển khai lực lượng theo dõi để bắt giữ.

Ngay lập tức Hữu đã yêu cầu Tứ bằng mọi cách phải tiếp cận Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội 3- Cục Điều tra chống buôn lậu. Để tiếp cận được Thụy, Tứ đã nhờ đến Nguyễn Đức Quyền là cán bộ Hải quan thuộc Đội 3, người quen biết trước đó của Tứ. Ngày 25/1/2021, trong khi Thụy cùng lực lượng của Đội 3 triển khai bắt giữ các tàu mang tên Nhật Minh của Hữu đang vận chuyển xăng lậu từ TP Cần Thơ đến tỉnh Vĩnh Long thì Tứ đã tìm cách tiếp cận được Ngô Văn Thụy để đưa 10.000 USD nhưng bị Thụy từ chối.

Ngày 26/1, vợ chồng Tứ đến nhà riêng của Thụy tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh để đưa hối lộ 1 phong bì đựng 10.000 USD và 1 thẻ ngân hàng có số dư tài khoản là 100 triệu đồng với mục đích xin cho Hữu chở xăng lên Vĩnh Long bán cho Tứ. Sau khi đưa trót lọt số tiền trên, Hữu tiếp tục thông qua Tứ xin gặp Thụy vào chiều 26/1 tại nhà riêng và đưa hối lộ cho Thụy 500 triệu đồng để được chở xăng lậu bán cho Tứ. Số tiền 10.000 USD và 500 triệu đồng nhận hối lộ sau đó đã được Thụy dùng tiêu xài cá nhân hết, riêng số tiền 100 triệu đồng trong thẻ ngân hàng thì vẫn còn giữ nguyên.

Không chỉ đưa hối lộ cho Thụy để được vận chuyển và mua bán xăng lậu, Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ cũng đã có hành vi đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển tài liệu, chứng cứ sang Cơ quan Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Dù các đối tượng hoạt động rất tinh vi, có tổ chức chuyên nghiệp, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an cùng Công an các tỉnh liên quan đấu tranh, phá án thành công. Chiến công này không chỉ “chặt đứt” đường dây buôn lậu, sản xuất, tiêu thụ xăng giả xuyên quốc gia với số lượng rất lớn, mà còn thanh lọc được những “con sâu” trong lực lượng thực thi công vụ - những người đã vì lợi ích riêng của cá nhân mà làm ngơ, tiếp tay cho những đối tượng làm ăn phi pháp.


Link gốc: https://cand.com.vn/phap-luat/goc-khuat-trong-dai-an-xang-dau-gia-i65212

Theo Báo Công an Nhân dân điện tử
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.