Cần phải nói rằng ở Phnom Penh không thiếu phở. Tuy nhiên, thường là những tô phở hoặc không đúng điệu, hoặc đã được cải biên bởi những người Việt ở Campuchia đã lâu. Vì vậy, tôi không khỏi bất ngờ khi trên chiếc bàn tre là bát phở nghi ngút khói mang hương vị cổ điển.
Nêm nếm chút giấm và thưởng thức chiếc quẩy giòn trước khi tận hưởng thứ nước dùng trong, ngọt, thanh cùng bánh dai, thịt tươi mềm, lại thêm ly trà sen, ngắm nhìn hình ảnh tháp Rùa, phía đằng xa là một góc café đường tàu, bất giác tôi thấy mình như vẫn ở Hà Nội, chứ không phải một nơi cách đó tới 1.400km.
Ha Noi Corner - Góc Hà Nội ở thủ đô Phnom Penh Ảnh: Thanh Hải |
Nhà văn Thạch Lam từng viết, “phở không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Vậy nên tôi đoán chủ quán ắt phải người Hà Nội gốc. Và tôi đã đúng. Chị Trần Thanh Nhung vốn người Hà Nội nhưng phát triển sự nghiệp tại Phnom Penh từ năm 2016.
Bình thường chị vẫn đi lại thường xuyên giữa hai nơi, cho đến khi bị kẹt ở Campuchia suốt thời gian đại dịch COVID-19. Sau những ngày nhớ Hà Nội quay quắt, lúc về lại, chị quyết định “phải mang một góc Hà Nội tới xứ chùa tháp”. “Cũng không chỉ mình tôi, mà rất nhiều đồng bào ở đây ao ước được thưởng thức những món ăn mang hồn cốt của người Việt, của Hà Nội”, chị nói với phóng viên Tiền Phong.
Chị Trần Thanh Nhung sinh năm 1979, người đã “mang một góc Hà Nội tới đặt tại Campuchia” Ảnh: Thanh Hải. |
Vậy là quán Ha Noi Corner - Góc Hà Nội được dựng lên ở Oknha Chrun You Hak, con đường sầm uất tại Phnom Penh. Tất nhiên không dễ để “mang Hà Nội đi”. Chị phải thuyết phục một đầu bếp đến Campuchia, mang theo đủ loại gia vị cần thiết. Nhưng bánh phở ở Campuchia lại nát và không thơm, buộc chị phải đặt bánh từ Sài Gòn. Góc Hà Nội cũng không chỉ bao gồm phở, còn có cả bánh cuốn Thanh Trì và bún đậu mắm tôm. Hai món này mới thật kỳ công.
“Đậu phụ Campuchia khác xa Hà Nội, thiếu cái mềm, mát, béo ngậy”, chị Nhung nói. Vậy nên ban đầu chị phải đặt một cơ sở ở Hà Nội, mỗi lần chuyển 500 bìa sang Campuchia. Phương án này bất thành bởi vấn đề bảo quản. Có lẽ phải tự làm sẽ tốt hơn, nghĩ vậy chị bèn nhập máy từ Sài Gòn, đồng thời đón bà cô làm đậu ngon có tiếng ở Hà Nội sang.
Nhưng xong khâu này, chuyện khác lại nảy sinh. “Nước bên này có nhiều tạp chất, có thể vì công nghệ lọc, nên đậu chỉ đạt 8 điểm so với đậu mơ chính cống”, chị chủ quán có nghề nghiệp chính trong ngành xây dựng kể. “Điều này cũng tương tự khi làm bánh cuốn, mặc dù làm rất đúng bài bản nhưng gạo Campuchia lại không có sự kết dính, chuyển sang dùng bột bánh cuốn bán sẵn vẫn không xong”.
Bát phở chuẩn vị được tạo ra từ nỗi nhớ Hà Nội quay quắt Ảnh: Thanh Hải |
“Nhiều lúc nản muốn bỏ, nhưng rồi cái máu trong người lại thôi thúc tôi tiếp tục, để rồi quay ngược lại Hà Nội để hỏi bí quyết. Sau đó, tôi phải nhập đúng gạo Khang Dân mùa trước, cộng thêm cơm nguội mới làm ra thứ bánh mềm dẻo, trắng mỏng như tờ lụa”.
Khi cô làm đậu đòi về Việt Nam, chị Nhung buộc phải xoay qua một bạn Campuchia không biết chữ nhưng nhanh nhẹn, biến cậu ta thành người nhận chuyển giao công nghệ và tiếp tục công việc. Giờ thì Góc Hà Nội đã trở thành một địa điểm quen thuộc của cộng đồng người Việt tại Phnom Penh. Bất ngờ hơn, tỷ lệ khách Tây đến quán thậm chí chiếm phần nhiều. “Họ từng sang Việt Nam, thích phở Hà Nội và tự tìm đến”, chị Nhung lý giải. Đó là minh chứng sống động chị đã thành công khi chuyển tải hồn cốt Hà Nội sang một góc Campuchia.
Ngoài công việc kinh doanh, chị Nhung còn đam mê bóng đá và là “bà bầu” của một đội bóng “phủi” tại Phnom Penh. Đội của “bầu” Nhung thường xuyên đá giao lưu với các đội người Việt khác, duy trì sân chơi lành mạnh và gia tăng tình đoàn kết của người Việt đang sinh sống ở Campuchia.