Tại cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm diễn ra hôm nay (3/7), ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, công tác gỡ thẻ vàng IUU (hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý) của Việt Nam đang đến giai đoạn “nước rút”.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đi kiểm tra và làm việc trực tiếp tại 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Qua kiểm tra, đoàn công tác đánh giá một số mặt đạt được như việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%, tiến bộ về quản lý đội tàu, xác định nguồn gốc hải sản…
Tuy vậy, đến nay vẫn còn tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; kết quả xử lý vi phạm hành chính còn thấp; việc lắp đặt thiết bị giám sát đã thực hiện gần 100% nhưng vẫn có tình trạng không vận hành; chưa có giải pháp để kiểm soát việc cập bến của các tàu cá...
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam vẫn còn xảy ra 14 vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. |
“Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, gấp rút chuẩn bị để đón đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ vào thanh tra vào tháng 10 năm nay. Đây là cuộc kiểm tra quyết định thủy sản Việt Nam có gỡ được thẻ vàng hay không”, ông Cường cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đến thời điểm này, thủy sản Việt Nam bị EC áp thẻ vàng gần 6 năm. Điều này không những ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp mà còn hình ảnh chính trị của Việt Nam.
Hiện, Nhật Bản và Mỹ đã đưa vấn đề này vào thảo luận, và sắp tới các quốc gia khác cũng sẽ làm như vậy. IUU không chỉ trên biển mà còn IUU trên rừng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, đến nay Việt Nam đã có 97% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhưng số lượng tàu cá nguy cơ vi phạm cao lại nằm ở số còn lại.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là quản lý và giám sát đội tàu. |
“Vấn đề quan trọng hiện nay là cần quản lý tốt tàu cá và giám sát chặt chẽ đội tàu. Bởi từ đầu năm vẫn còn xảy ra 14 vụ/84 người, vi phạm vùng biển nước ngoài. Tàu đi đánh bắt về phải có nhật ký, nhưng thời gian quan kiểm tra thì thấy ngư dân viết như hồi ký. Mà 10 tàu lại toàn chữ… giống nhau. Do đó cần quản lý đội tàu tốt hơn. Quản tàu cá chưa triệt để thì chưa thể truy xuất được nguồn gốc…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện được EC đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, thực tiễn của Việt Nam còn nhiều vấn đề khi mức xử phạt còn nhẹ, các tàu cá còn chưa nghiêm chỉnh chấp hành.
Bộ NN&PTNT đang sửa Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó, quy định 6 thiết bị sẽ sử dụng để phạt nguội như lực lượng cảnh sát giao thông. Đồng thời, nghị định mới sẽ quy định xử phạt cả chủ tàu, máy trưởng nếu tàu cá vi phạm, tránh chủ tàu đổ lỗi cho máy trưởng không biết:
"Hiện Bộ NN&PTTN lấy ý kiến Bộ tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính lần 2. Sau khi lấy ý kiến xong sẽ trình Thủ tướng thông qua”, ông Tiến cho hay.
Hiện, theo Nghị định 42, hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn, sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Cùng với đó, nếu tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15-24 m, trừ trường hợp bất khả kháng có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.