Gỡ thẻ vàng cho thủy sản, còn 'trên nóng dưới lạnh'

Ðánh bắt bất hợp pháp ở nước ngoài, tàu cá có thể bị tịch thu. Ảnh: Bình Phương.
Ðánh bắt bất hợp pháp ở nước ngoài, tàu cá có thể bị tịch thu. Ảnh: Bình Phương.
TP - Ủy ban châu Âu (EC) vừa có công thư gửi Bộ NN&PTNT, trong đó tiếp tục khuyến cáo Việt Nam hàng loạt “lỗ hổng”,  bất cập, “trên nóng, dưới lạnh” trong thực thi và nhiều quy định bất cập với các DN chế biến của Việt Nam. Xem ra, việc gỡ bỏ thẻ vàng sẽ còn xa.

Nhiều lỗ hổng, bất cập

Kết thúc đợt thanh tra liên quan quá trình khắc phục thẻ vàng thủy sản tại Việt Nam mới đây, EC đã ghi nhận sự vào cuộc của các cơ quan T.Ư trong việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, EC cũng chỉ ra hàng loạt bất cập, cho thấy tình trạng nghiêm trọng “trên nóng, dưới lạnh” trong thực thi chống khai thác IUU tại các địa phương.

Theo Đoàn thanh tra EC, tại các địa phương, việc cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp. Mức độ xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế… Dự kiến, EC sẽ tiếp tục trở lại kiểm tra, đánh giá nỗ lực khắc phục thẻ vàng của Việt Nam vào tháng 1/2019.

Trong khi đó, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu đang "oằn lưng" chịu đựng với các quy định còn bất cập như: Giấy phép khai thác tàu cá, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản… (theo Thông tư 02/2018 (ngày 28/3/2018) của Bộ NN&PTNT) cần được thay đổi.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, theo quy định, để xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản (S/C), chỉ cần giấy xác nhận S/C và bản sao chụp nhật ký khai thác. Các DN đã thực hiện đúng quy định này. Tuy nhiên, từ ngày 4/6 đến nay, theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản, các cảng cá yêu cầu DN phải nộp thêm “giấy phép khai thác” của các tàu được kê khai trong hồ sơ S/C.

Vasep cho rằng, thông tư 02 không quy định vấn đề trên. DN không thể thực hiện được vì các tàu sau khi cập cảng lên hàng đã ra khơi thực hiện chuyến biển mới, DN không thể liên hệ với thuyền trưởng hoặc chủ tàu để mượn giấy phép khai thác để photo và nộp cho ban quản lý (BQL) cảng cá. Vì vậy, toàn bộ số nguyên liệu mà DN mua thời gian qua (dù đã có sự giám sát của cảng cá) không chứng minh  được S/C.

Vasep cũng lưu ý rằng, một trong những lý do các cảng cá không xác nhận là do tàu cá đi trên biển “không nhắn tin về” hay “có nhắn tin nhưng không đủ cơ sở để xác nhận”. Theo thông tư 02, BQL cảng cá chỉ ký xác nhận sau khi đối chiếu nhật ký khai thác với thông tin về vị trí hoạt động của tàu do các trạm bờ (thuộc Chi cục Thủy sản địa phương) cung cấp.

Tuy nhiên, thực tế việc chuyển thông tin nhiều khi bị nghẽn mạch do một số yếu tố khác nhau. Nhiều chủ tàu phải chủ động gọi điện cho chi cục để xác nhận, nhưng không phải chủ tàu nào cũng có thể làm được việc này, nhất là ở ngoài khơi xa.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho rằng, vấn đề “nhắn tin” nói trên không thấy có quy định hay hướng dẫn trong thông tư 02. Mặt khác, việc nhắn tin của các tàu, DN không thể nắm hay kiểm soát được. Chưa kể, cũng chưa có hướng dẫn nhắn tin thế nào là đủ cơ sở và thế nào là không đủ cơ sở để xác nhận.

Ông Hòe đặt vấn đề: “Việc kiểm tra tin nhắn do cán bộ ban quản lý cảng thực hiện liệu có đảm bảo yếu tố khách quan hay không? Việc không có những bằng chứng kèm theo đưa ra, liệu có tạo điều kiện phát sinh tiêu cực hay cơ chế xin cho? BQL cảng cá báo, chủ tàu nào không có nhắn tin hoặc có nhắn tin không đủ cơ sở để xác nhận thì DN chỉ biết vậy thôi chứ cũng không có cơ chế giám sát thông tin mà BQL đưa ra”.

Tàu cá vi phạm có thể bị tịch thu

Theo Tổng cục Thủy sản, từ nay đến hết năm 2018, muốn thoát thẻ vàng các địa phương ven biển phải tập trung nguồn lực, có biện pháp cụ thể, cấp bách để quản lý, kiểm soát chặt chẽ đội tàu cá xuất bến, tàu cá tại cảng cũng như kiểm soát sản lượng thủy sản cập bến.

Đối với những tàu đã có thiết bị vệ tinh Movimar, thiết bị liên lạc VX-1700 phải mở máy 24/24 khi đánh bắt trên biển, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm. Cùng đó, cơ quan chức năng sẽ tổ chức nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp đặt trên tàu và trạm trên bờ, nhằm đảm bảo báo cáo tự động cập nhật vị trí, thông tin từ tàu về bờ.

Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, trước 30/10/2018, các địa phương phải hoàn thành thu hồi tất cả các thiết bị giám sát hành trình theo công nghệ vệ tinh Movimar, đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24m, sau đó lắp trên tàu dài 24m trở lên trên địa bản tỉnh. “Chúng tôi sẽ kiểm tra trách nhiệm thực hiện ở địa phương”- ông Huy nói.

Đối với tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm về IUU, ông Huy cho biết, ngoài xử phạt hành chính, thuyền trưởng có thể bị phạt bổ sung là tước bằng thuyền trưởng, thu hồi giấy phép, thậm chí chủ tàu bị tịch thu tàu. Biện pháp mạnh này nhằm giảm thiểu tối đa khả năng vi phạm.

Ông Huy cũng cho biết, EC khuyến nghị Việt Nam không tăng số lượng tàu khai thác. “Vì thế, chúng tôi đang xây dựng một số cơ chế, chính sách để chuyển đổi nghề cho ngư dân khi đánh bắt không hiệu quả. Các quy định về đánh bắt thuỷ sản cũng đặt vấn đề cấp hạn ngạch và cấp giấy phép khai thác và đảm bảo an toàn cho con người và phương tiện khi đánh bắt trên biển”- ông Huy nói.

Ngoài ra, theo Cục trưởng Kiểm ngư, đến nay, đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu liên quan vấn đề tàu cá vi phạm ở nước ngoài và vi phạm IUU. Theo đó, chủ tịch UBND các tỉnh và người đứng đầu ngành, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng khi để tàu cá đánh bắt bất hợp pháp ở nước ngoài.

Theo kế hoạch, tháng 1/2019, Ðoàn thanh tra của EC sẽ tiếp tục sang làm việc với Việt Nam về vấn đề “thẻ vàng”. Như vậy, kể từ khi EU giơ “thẻ vàng” (23/10/2017), mục tiêu khắc phục ở Việt Nam trong vòng 6 tháng đã “vỡ kế hoạch”. Chưa kể, với tính thực thi kém ở địa phương, việc EC “hạ” thẻ vàng sẽ rất khó khăn, nếu xấu hơn còn có nguy cơ phải nhận “thẻ đỏ” của EC.
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.