Vụ tin đồn lâm tặc trúng cây sưa trăm tỷ:
Gỗ sưa đã về các xã vùng đệm
>Việc Lâm tặc trúng cây sưa trăm tỷ: Theo dấu tin đồn
Những sơn tràng đầu tiên ở các xã vùng đệm đã đưa gỗ sưa ra để bán. |
Từ 2 triệu đến 15 triệu đồng/kg gỗ sưa
Theo nguồn tin này, có nhiều sơn tràng ở các xã vùng đệm của Phong Nha - Kẻ Bàng như: Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch đã đưa được một số gỗ sưa ở dạng đe (mắt), cành, ngọn của chính 3 cây sưa mà lâm tặc vừa đốn hạ về bán cho các đầu nậu trên địa bàn.
Được biết, số gỗ sưa đang được các đầu nậu mua lại từ sơn tràng ở các địa phương lân cận là phần loại thải của 3 cây sưa nói trên sau khi lâm tặc đã xẻ được 110 phác gỗ mặt và bán tại rừng với giá 100 tỷ đồng.
Những sơn tràng trong vùng đã vào đến địa điểm khai thác của 3 cây sưa này để mua rẻ, xin, hoặc mót lại mang về bán. Do đây là cây sưa cổ thụ, nên gỗ loại thải vẫn được bán với giá rất cao từ 2 triệu đến 10 triệu/kg. Có những sơn tràng đã thu được 150 triệu đồng từ tiền bán sưa vừa mang về.
Cũng theo nguồn tin này, hiện 110 phác gỗ mặt của 3 cây sưa nói trên đã được các đầu nậu tẩu tán, không còn ở địa điểm khai thác. Số thì được chôn giấu ngay trong rừng chờ dịp đưa ra, số còn lại đang được các sơn tràng gùi thuê để vượt biên giới Việt - Lào.
Mỗi người gùi thuê gỗ sưa sang Lào được đầu nậu trả công 20 triệu đồng cho chuyến đi. Số gùi thuê được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có 5 người, trong đó có một người được đầu nậu tin tưởng thuê làm trưởng nhóm, đồng thời giám sát các sơn tràng trên đường đi. Tin cho hay, đến 16 giờ ngày 24-4, các nhóm gùi thuê đã cắt rừng và đang áp sát biên giới Việt - Lào.
Một đại gia trong giới buôn gỗ Lào cho biết: Nếu số gỗ đó lọt được sang Lào thì các đầu nậu sẽ làm được các thủ tục để nhập khẩu quay ngược về Việt Nam. Vì ở Lào việc làm các thủ tục về gỗ rất thông thoáng, và khi đó, số gỗ nói trên nghiễm nhiên thành gỗ hợp pháp và họ muốn thông quan bất cứ cửa khẩu nào cũng được.
Những lâm tặc chuyên nghiệp có thể gùi trên vai cả tạ, thậm chí có người còn gùi đến 1,8 tạ gỗ đi cả tháng trong rừng. |
Đã có phương án ứng phó
Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đã nắm các thông tin nói trên và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan triển khai lực lượng ứng trực 24/24 giờ.
Ngoài việc tăng cường lực lượng chốt giữ ở các cửa rừng, và thâm nhập trong rừng truy tìm cũng như đẩy đuổi lâm tặc và người dân vào rừng, hiện, một lực lượng hùng hậu đang chốt giữ và tuần tra ở tuyến biên giới Việt - Lào để đón lõng nếu lâm tặc gùi gỗ vượt biên giới.
Tuy nhiên, ông Hoài cũng tiên lượng, ngăn chặn nhóm lâm tặc gùi thuê vượt biên giới là rất khó, bởi đường biên dài và đường núi lại rất hiểm trở, chỉ dân đi rừng mới có thể đi được, còn người bình thường thì không thể.
Trao đổi qua điện thoại, đại tá Nguyễn Văn Phúc - Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Bình, cho hay, ông đang đi rừng nhưng ở địa điểm nào và lực lượng biên phòng tham gia như thế nào thì không tiết lộ.
Theo ông Phúc, khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giáp với biên giới Việt- Lào có 2 đồn Biên phòng chốt giữ là Cà Xèng và Cồn Roàng. Chạy dọc biên giới Việt- Lào ở khu vực này có dãy núi Giăng Màn cao trên 2.500m và hiểm trở nên muốn vượt qua nó không phải dễ, đặc biệt khi trên vai lại có hàng nặng.
Tuy nhiên, theo một số lâm tặc, không có ngọn núi nào mà họ không thể vượt qua. Ở dãy Giăng Màn không có nơi nào là họ chưa đến để tìm sưa và tìm trầm. Thậm chí, họ không cần đi đường mòn, khi cần họ có thể cắt rừng, mở đường mới để đi.
Việc một lâm tặc gùi trên vai phác gỗ mặt dài 2m, nặng trên 1 tạ đi đường rừng cả tháng thoăn thoắt là chuyện bình thường. Thậm chí có người gùi đến 1,8 tạ vẫn vượt vực thẳm, bám vách đá tai mèo còn hơn cả người bình thường đi bộ.
Dư luận bắt đầu nghi ngờ phương án mà các cơ quan chức năng đang thực hiện để ứng phó với vụ gỗ sưa này không hiệu quả, khi mà các cửa rừng đã được chốt chặt nhưng gỗ của 3 cây sưa nói trên vẫn lọt ra ngoài để thực hiện giao dịch mua bán trót lọt.