Gỗ quý không rõ nguồn gốc được biếu tặng quan chức: Đủ cơ sở để xử lý

Rừng ở Tây Nguyên liên tục bị khai thác trái phép Ảnh: Lê Tiền
Rừng ở Tây Nguyên liên tục bị khai thác trái phép Ảnh: Lê Tiền
TP - Sau loạt bài điều tra của Tiền Phong về rừng Tây Nguyên bị tàn phá, gỗ vào nhà quan chức; ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với gỗ không có nguồn gốc hợp pháp, đủ cơ sở để xử lý.              

Xử lý ra sao?

Liên quan đến thông tin về chợ cây cảnh, cây bóng mát “khủng” mà Tiền Phong phản ánh ở Gia Lai, lãnh đạo Cục Kiểm lâm cho biết, vấn đề này đã rộ lên vài năm trước.

Theo ông Tùng, đối với cây cảnh, cây bóng mát… đã có quy định cụ thể trong thông tư 27 (năm 2018) của Bộ NN&PTNT về quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Trong hồ sơ lâm sản, bản kê khai lâm sản sẽ xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của những loại cây này. Cây được khai thác từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và có phải là cây thuộc loài quý hiếm, nguy cấp hay không…  thì đều phải được xác định nguồn gốc, được thể hiện đầy đủ qua giấy tờ...

“Đối với hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán cây không có nguồn gốc rõ ràng, cây quy hiếm thuộc diện cấm khai thác… sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 35 (tháng 4/2019), nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Tùng nói.

Liên quan đến vấn đề “gỗ quý xây trụ sở, nội thất nhà quan” ở Gia Lai như Tiền Phong phản ánh, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm nói rằng “vấn đề này cũng khó bình luận”.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng: “Nếu họ có đầy đủ căn cứ, hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ, loại gỗ đó hợp pháp thì không xử lý được, vì pháp luật không cấm anh mua bán gỗ. Còn nếu gỗ không có giấy tờ, nguồn gốc không rõ ràng thì xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Tùng nói.

Về mức độ xử lý sai phạm (nếu có), lãnh đạo Cục Kiểm lâm cho biết: “Trước hết xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 35, phạt hành chính, tịch thu tài sản, phương tiện, tang vật… Trường hợp quá mức, cơ quan chức năng sẽ xử lý hình sự. Trước pháp luật ai cũng công bằng như nhau”.


Với trường hợp nhà tiếp khách trong khuôn viên Tỉnh ủy Gia Lai, được cho là làm từ nguồn “xã hội hóa” của Binh đoàn 15 thời “hoàng kim”, lãnh đạo Cục Kiểm lâm nói rằng: “Kể cả trường hợp cho biếu, tặng, nếu gỗ không có nguồn gốc hợp pháp cũng là  vi phạm và phải xử lý theo quy định”.

Chấn chỉnh tác phong kiểm lâm

Ông Đỗ Quang Tùng cũng nói thêm: “Chúng tôi đã nắm được thông tin mà báo Tiền Phong cũng như một số cơ quan báo chí thời gian qua phản ánh về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật ở các tỉnh Tây Nguyên”.

Theo ông Tùng, từ phản ánh của báo chí, Bộ NN&PTNT đã ra văn bản gửi UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng đề nghị xử lý nghiêm các vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn những địa phương này.

Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, tình hình vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn một số tỉnh ở Tây Nguyên có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật được kiểm tra, phát hiện.

Trước thực trạng nói trên, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, Nghị quyết 71 của Chính phủ, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trên địa bàn; đồng thời, chủ động xử lý có hiệu quả công tác phòng chữa cháy rừng nhằm hạn chế mất rừng.

Theo ông Tùng, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương tăng lực lượng kiểm lâm tại các vùng trọng điểm phá rừng, lấn chiếm rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh.

Bộ NN&PTNT cũng lưu ý về việc chấn chỉnh tác phong làm việc, sinh hoạt của công chức, viên chức kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, trong đó tăng cường giám sát nội bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Các địa phương chỉ đạo lực lượng công an tỉnh, phối hợp với cơ quan có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn, dấu hiệu tiếp tay, buông lỏng quản lý của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. 
Văn bản của Bộ NN&PTNT

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.