Gỗ quý bị đốn hàng loạt ở Vườn Quốc gia Yok Đôn

Gỗ quý bị đốn hàng loạt ở Vườn Quốc gia Yok Đôn
TP - Sáng 2-8, nhận được tin báo của quần chúng về việc hàng chục cây gỗ quý cổ thụ ở Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn vừa bị lâm tặc đốn hạ, chúng tôi lập tức lên đường và tận mắt chứng kiến hàng loạt cây gỗ quý bị lâm tặc “làm thịt” ngổn ngang giữa rừng.

> Hai cây cổ thụ bị hạ “sát nách” kiểm lâm

Một cây căm xe bị lâm tặc đốn hạ chưa mang ra khỏi rừng thuộc tiểu khu 484 VQG Yok Đôn
Một cây căm xe bị lâm tặc đốn hạ chưa mang ra khỏi rừng thuộc tiểu khu 484 VQG Yok Đôn.

Mất hơn 2 giờ đồng hồ đi xe máy từ trung tâm xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), chúng tôi cũng tiếp cận được điểm đầu tiên mà lâm tặc vừa tổ chức khai thác gỗ quý tại Tiểu khu 484 thuộc VQG Yok Đôn.

Đập vào mắt chúng tôi là cảnh hàng loạt cây gỗ quý căm xe, giáng hương (thuộc nhóm II và IIA) vừa bị lâm tặc đốn hạ, cành lá vẫn còn xanh tươi, gốc cây vẫn còn ứa nhựa.

Đi rộng ra trong vòng bán kính khoảng 100m, chúng tôi đếm được trên 20 cây gỗ quý cổ thụ (đường kinh 50 - 80cm) vừa bị đốn hạ.

Nhiều cây có bút lục kiểm đếm số cây và ghi ngày phát hiện bị đốn hạ là: ĐKT 1-8-2012 - T3 KT (tức đã kiểm tra ngày 1-8-2012, trạm số 3 kiểm tra - PV).

Ngoài ra, rất nhiều cây gỗ quý cổ thụ đường kính 60 -70cm bị lâm tặc đốn, lấy đi phần “nạc” nhất chưa có bút lục của lực lượng kiểm lâm.

Vết tích để lại ở hiện trường chứng tỏ hầu hết các cây gỗ quý này vừa mới bị lâm tặc đốn hạ, cành lá còn tươi xanh, vì cưa còn ướt mủ cây...

Người dẫn đường chỉ vào một cây căm xe có đường kính khoảng 70cm cho biết: “Ngày hôm qua, tôi phát hiện cây này vừa bị đốn hạ vẫn còn nguyên, nhưng hôm nay lâm tặc đã quay lại lấy mất phần gỗ tốt nhất rồi”.

Vương vãi quanh khu vực bị khai thác để lại những bếp lửa còn mới, can đựng nước, vỏ đồ hộp…

Chúng tôi tiếp tục tiến sâu hơn vào các tiểu khu 484, 477 và phát hiện thêm có đến 50 cây gỗ quý như căm xe, giáng hương cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ.

Ông Trần Văn Thành, Quyền Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết: “Ngày nào chúng tôi cũng phát hiện lâm tặc đốn hạ gỗ quý. Tính riêng từ nửa tháng 7 đến nay, chúng tôi phát hiện và xử lý hơn 30 vụ chặt gỗ quý, trung bình mỗi ngày 2 vụ. Số gỗ quý bị lấy đi ước tính hơn 50m3”.

Cũng theo ông Thành, ngoài các nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan để xảy ra tình trạng mất rừng đó là công tác quản lý bị buông lỏng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG