Gỗ cà phê dậy ký ức Ban Mê...

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trên những thớ gỗ hiện lên nét văn hoá, nghi lễ của người dân tộc bản địa và cảnh sắc về một Buôn Ma Thuột xưa. Người họa sĩ ấy lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Pháp, chụp và ghi nhận về Buôn Ma Thuột những năm 1960-1970. Mỗi tác phẩm ảnh là một nét khắc về thời gian được in độc bản trên gỗ cà phê Robusta 30 năm tuổi.

Ký ức xưa

Mùa khô, Đắk Lắk mê hoặc bởi những triền đồi, nương rẫy cà phê hoa trắng muốt, mùi hương thơm nồng phảng phất giữa tiết trời nắng vàng, khô hanh. Nhiều du khách bộc bạch, Đắk Lắk mùa này đẹp nao lòng.

Dạo bước nơi đường sách cà phê Buôn Ma Thuột nằm ngay trung tâm thành phố, mọi người bị cuốn bởi những hình ảnh về cảnh sắc, đời sống, văn hóa Buôn Ma Thuột xưa trên thớ gỗ cà phê được trưng bày tại đây. Nhiều người trầm trồ, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp ấn tượng mang sự độc đáo này.

Gỗ cà phê dậy ký ức Ban Mê... ảnh 1

Họa sĩ Nông Hoàng Chiến (giữa) chia sẻ về những tấm ảnh được phóng tác trên gỗ cà phê

Họa sĩ Nohochi tên thật là Nông Hoàng Chiến, người phóng tác những tấm ảnh lên gỗ cà phê cho biết, những tấm ảnh trở thành người kể chuyện về cảnh quan, đời sống, văn hóa, phong tục tập quán, nghi lễ, kiến trúc...Mỗi tác phẩm ảnh là một nét khắc về thời gian được in độc bản trên gỗ cà phê Robusta 30 năm tuổi.

Họa sĩ Nông Hoàng Chiến hiện công tác tại Trung tâm văn hoá tỉnh Đắk Lắk. Trong thời gian tới, anh dự kiến sẽ tiếp tục chuyển thể phóng tác khoảng 100 bức ảnh tư liệu Buôn Ma Thuột xưa lên gỗ cà phê để giới thiệu đến người dân và du khách. Qua đó, góp phần bảo tồn phát huy nét văn hóa đặc sắc, chung tay cùng xây dựng thành phố giàu đẹp, bản sắc, văn minh.

Anh Chiến sinh ra tại tỉnh Cao Bằng. Lên 8 tuổi, anh theo gia đình vào Buôn Ma Thuột lập nghiệp. Sống tại vùng đất này, được ngắm nhìn những ngôi nhà dài, tượng nhà mồ, hoà mình vào các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc bản địa, nét văn hoá ấy ăn sâu vào tâm hồn người họa sĩ này lúc nào không hay.

“Tôi thấy gắn bó và yêu thích vùng đất này đến lạ lùng không lý giải nổi. Hơn 41 năm sống và làm việc, chứng kiến nhiều thay đổi của một vùng đất và tò mò muốn biết ngày “xưa” nơi đây như thế nào”, anh Chiến thổ lộ. Anh không ngừng tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của vùng đất Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Anh tự mày mò tìm kiếm trên các trang mạng những hình ảnh về Buôn Ma Thuột xưa để hiểu hơn về con người, văn hóa nơi đây.

Ngày ấy, anh làm theo kiểu cảm tính chưa có phương pháp khoa học, chính vì vậy để biết chính xác tác giả và thời điểm ảnh được chụp rất khó khăn. “Như các bức ảnh về voi, không chỉ riêng Đắk Lắk mà còn Lào, Thái Lan; phụ nữ Tây Nguyên cũng na ná giống nhau đều ngực trần...”, anh Chiến nói.

Để kiểm chứng lại thông tin các tư liệu, địa danh… trước đây của vùng đất Buôn Ma Thuột, anh tìm đến từng địa điểm để xác thực hoặc hỏi những người lớn tuổi.

Dành thời gian 4-5 năm dày công sưu tầm, đến nay, anh có bộ sưu tập hàng trăm tấm ảnh. Loạt ảnh Buôn Ma Thuột xưa được họa sĩ Nohochi sưu tầm từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Trong đó, chủ yếu lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Pháp, chụp và ghi nhận về Buôn Ma Thuột từ những năm 1960-1970. Mỗi tấm ảnh chứa đựng những thông tin về cuộc sống, văn hóa, cảnh sắc của người dân trên vùng đất Buôn Ma Thuột.

Để những hình ảnh tư liệu về Buôn Ma Thuột xưa đến gần với công chúng hơn, họa sĩ Nông Hoàng Chiến đã phóng tác những bức ảnh này lên gỗ. Theo anh cách in ảnh trên gỗ cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Từng công đoạn phải cẩn thận vì có thể khiến sản phẩm không đạt chất lượng.

Gỗ cà phê dậy ký ức Ban Mê... ảnh 2

Du khách tham quan, tìm hiểu về tác phẩm ảnh Buôn Ma Thuột xưa

Độc đáo và lạ lẫm

Đường sách cà phê những ngày gió khô trở nên nhộn nhịp, nhiều du khách đến bởi tò mò về các tác phẩm trên gỗ cà phê. Chị Nguyễn Thị Huyền (du khách Đà Nẵng) chia sẻ, chính sự độc đáo, lạ lẫm này khiến nhiều người quan tâm đến bức ảnh và tìm hiểu về nó. Ngắm 15 tác phẩm trên gỗ cà phê, người xem được trải nghiệm câu chuyện thông qua những bức ảnh, điều này mang đến cảm xúc khác biệt.

Mỗi tác phẩm ảnh thể hiện góc nhìn, hoàn cảnh ra đời khác nhau. Họa sĩ mong muốn giới thiệu những hình ảnh về cảnh sắc, đời sống, văn hóa, phong tục tập quán, kiến trúc của đồng bào dân tộc Êđê Buôn Ma Thuột xưa đến với các bạn trẻ và du khách. Bức ảnh bến nước của người dân tộc Êđê, phác họa rõ nét về văn hóa đặc trưng của tộc người này. Bến nước không chỉ là nơi sinh hoạt mà ở đó giúp gìn giữ văn hóa, là nơi gắn kết các thế hệ, đó là nguồn sống của cả buôn làng.

Vì vậy lễ cúng bến nước là một nghi lễ rất quan trọng được duy trì đến nay. Nhìn vào tấm ảnh đàn voi đi đến hội chợ sẽ biết rằng ngày xưa ở Buôn Ma Thuột có nhiều voi, có mối liên hệ mật thiết với con người. Voi là loài vật được yêu quý như một thành viên trong gia đình và buôn làng nhưng vẫn mang biểu tượng tôn kính, thiêng liêng...

Dưới tán cây xanh, từng tia nắng len qua kẽ lá, hoà vào thanh âm du dương, anh Chiến cho biết, anh thích nhất là những tấm không ảnh (chụp từ trên cao) chụp thị xã Buôn Ma Thuột thời ấy. Vì thích quá anh đã nhờ một người bạn bay FlyCam để chụp lại vị trí tương tự. Sau khi đối chiếu hình ảnh xưa và nay sẽ thấy được sự thay đổi. Nó giống như bản thân khám phá ra một điều gì đó, cảm xúc tự nhiên dâng trào.

Với anh, từ những bức ảnh sưu tầm, mong đây sẽ là một lát cắt nhỏ để lan tỏa hình ảnh đẹp về vùng đất, con người, văn hóa ở Buôn Ma Thuột đến với du khách trong và ngoài nước. Mong muốn mọi người biết đến sự phát triển của thành phố năng động như hôm nay đã trải qua những gì và thay đổi như thế nào, kết nối quá khứ và hiện tại để hướng tới tương lai.

Nói về lý do chọn gỗ cà phê để phóng tác các tác phẩm ảnh Buôn Ma Thuột xưa, họa sĩ Nohochi cho biết, anh chọn những thân gỗ cà phê hơn 30 năm tuổi để phóng tác ảnh nhằm góp phần quảng bá về loại cây trồng chủ lực ở địa phương. Đồng thời, tận dụng những cây cà phê già cỗi ở các vườn cà phê, tránh lãng phí khi những cây già bị cưa đi và cũng là bảo vệ môi trường. Nó có thể là sản phẩm lưu niệm và quảng bá du lịch

“Những tác phẩm ảnh Buôn Ma Thuột xưa phóng tác trên gỗ cà phê đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Cách thức lưu giữ những ký ức đẹp về Buôn Ma Thuột của họa sĩ đã nhen lên tình yêu, sự gắn bó với mảnh đất này cho nhiều người”, một vị du khách đang ngắm nhìn tác phẩm thốt lên.

MỚI - NÓNG