Bé bị suy dinh dưỡng, 2 tuổi chỉ nặng 7 kg. Được gia đình đưa từ Sơn La xuống Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) khám mắt, bé đột ngột bị đau bụng, chẩn đoản viêm ruột thừa và được phẫu thuật tối 29/9.
Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, khi mổ các bác sĩ phát hiện ruột thừa bé đã bị giun đũa đục thủng làm tràn dịch ra ổ bụng gây tình trạng nhiễm độc. Kíp phẫu thuật đã cắt bỏ ruột thừa, làm vệ sinh ổ bụng...
Theo Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, 50% người Việt Nam có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em, học sinh. Bệnh do giun ký sinh gây nhiều tác hại như thiếu máu, thiếu vi chất, suy dinh dưỡng; nghiêm trọng hơn là viêm đường mật, viêm tụy cấp, tắc ruột…
Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, bàn tay bẩn, nguồn nước không vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm... Người dân cần chủ động tẩy giun ít nhất 6 tháng một lần. Trẻ trên một tuổi, phụ huynh có thể tẩy giun cho bé bằng những loại thuốc có mùi vị thơm. Những biện pháp chống giun thông thường là giữ gìn vệ sinh môi trường sống, chỉ ăn uống thực phẩm đã được nấu chín, rửa rau dưới vòi nước sạch, không đi chân đất…