Ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy, thuộc khu vực bãi giữa Sông Hồng, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi vợ chồng ông Nguyễn Văn Tiến chăn thả đàn trâu nái lên tới gần 200 con.
Theo ông Tiến, trâu nhà ông được nuôi gần như hoang dã, không xỏ mũi, không đánh số, ăn cỏ và sinh sản một cách tự nhiên, không dùng cám hay thức ăn công nghiệp.
Vợ chồng ông Tiến là một trong những nông dân khai phá vùng bãi giữa sông Hồng gần 20 năm trước và liên tục là nông dân sản xuất giỏi của quận Long Biên.
Theo ông Tiến, gần 20 năm trước vợ chồng ông chỉ bắt đầu gây đàn trâu này bằng 2 con trâu cái và 1 con trâu đực kéo cầy, tới nay nếu tính tổng cộng số trâu mà ông đã bán đi và cả hiện tại, đã có gần 1.000 con trâu được sinh ra tại đây.
Giống trâu nhà ông Tiến là trâu ré, tuy trọng lượng cơ thể không to, nhưng bù lại, trâu sinh sản rất tốt, có thời gian mang thai 12 tháng, nhưng rất nhiều trâu mẹ trong đàn vừa nuôi con vừa mang thai, khoảng 3 năm là trâu đẻ được 2 nghé.
Sau nhiều năm chăn thả, hiện nay đàn trâu đã được "luyện" thói quen sáng ra bãi cỏ ăn rồi nằm nghỉ, buổi chiều xuống sông Hồng tắm, và tối tự về chuồng, rất ít khi bị lạc mất trâu mẹ và nghé con.
Khó khăn nhất khi chăn nuôi đàn trâu 200 con này là vào mùa đông, khi cỏ ở bãi sông bị lụi, ông Tiến phải dùng máy bơm tưới cho cỏ xanh tốt để đàn trâu có thức ăn.
Một ngày đàn trâu có thể phải di chuyển tới 10km để đi tìm cỏ vào mùa đông, nhưng khi mùa xuân tới cỏ mọc khắp nơi, người chăn trâu thuê nhà ông Tiến chỉ việc ngồi một chỗ rất an nhàn để trông nom đàn trâu.
Hiện mỗi năm ông Tiến "trâu" có thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng từ những chú trâu mắn đẻ của mình.