Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 35. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc khái niệm người có tài năng trong hoạt động công vụ bảo đảm tính khả thi; làm rõ hơn trong Luật về nguyên tắc, chế độ chính sách trong việc thu hút, trọng dụng và ưu đãi người có tài năng làm việc trong bộ máy nhà nước; trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định cụ thể.
Về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc nguyên tắc, hình thức, thủ tục, nội dung, thẩm quyền, thời điểm kiểm định bảo đảm được mục đích nâng cao chất lượng đầu vào công chức, tránh chồng chéo với nội dung thi tuyển công chức.
Liên quan đến hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức, tiếp tục giữ hình thức kỷ luật “giáng chức” để có thêm nhiều lựa chọn trong xem xét hình thức xử lý kỷ luật, phù hợp với đối tượng, tính chất, mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật cho phù hợp căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.
Đối với xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Ủy ban Thường vụ cho rằng, cần nghiên cứu quy định trong Luật nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu làm cơ sở để Chính phủ quy định cụ thể bảo đảm khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện làm rõ ưu điểm, hạn chế, giải pháp khắc phục hạn chế đối với cả hai phương án trong dự thảo Luật về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới để báo cáo, xin ý kiến Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh dự án Luật; tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).