Có lẽ phản ánh thực trạng sức hút của rối nước từ con mắt của người nước ngoài là “cú đấm” vào lòng tự trọng của không ít người Việt. Một độc giả bình luận dưới trích dẫn dịch ra tiếng Việt từ bài viết này: “Múa rối nước ở Sài Gòn thì xem chỗ nào?”. Chỉ bằng một câu hỏi, vị khán giả nọ đã giúp AFP thêm phần khẳng định, phản ánh của họ là chính xác. Người quan tâm tới rối nước sẽ không bao giờ đặt câu hỏi, loại hình nghệ thuật ấy đang “cư trú” ở đâu? Một vị Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam phản bác phản ánh của AFP. Bằng chứng ông đưa ra là cuối tuần nọ rạp rối của họ đón tuyền khán giả nhí Việt Nam, thêm nữa trong hai năm vừa qua, cả nước đã có hàng chục sân khấu múa rối mở ra phục vụ khán giả.
Thực ra, câu chuyện rạp rối vào một ngày, thậm chí một tuần nào đó, đông khán giả Việt, chưa khẳng định được múa rối nước sống được nhờ khán giả trong nước. Bởi lẽ, một ngày hoặc một tuần vẫn là khoảng thời gian quá ngắn nếu đem so với một năm. Việc mở thêm sân khấu múa rối là tín hiệu đáng mừng của nghệ thuật rối nước Việt Nam song ai biết được, chúng mở ra để đón du khách hay khách nội là chủ yếu? Cũng có người nêu ra lí do: Rối nước Việt kém hấp dẫn “thượng đế” nội vì cũ mèm, không chịu đổi mới, xem một, đôi lần đã chán ngay, không muốn quay trở lại. Điều này cũng đúng. Song không ai dám chắc, múa rối nước đổi mới mạnh mẽ thì sẽ yên tâm có chỗ đứng trong bộ nhớ của khán giả nội.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với nghệ sỹ Phan Thanh Liêm, người đầu tiên xây dựng mô hình rối nước mini ở Việt Nam. Anh đồng tình với phản ánh của hãng thông tấn nước ngoài: “Rối nước ở ta sống được là nhờ du lịch”. Anh cũng đã mở thêm một sân khấu rối nước thu nhỏ thứ hai ngay tại Hà Nội nhưng cũng chỉ để phục vụ khách ngoại quốc là chính. Có một điều cực kỳ lạ lùng mà chúng tôi từng tới tận nơi khảo sát, sân khấu rối nước thu nhỏ đầu tiên của anh Phan Thanh Liêm nằm ở một con ngõ chật hẹp, lắt léo thuộc quận Đống Đa (Hà Nội), khách Việt rất ngại tìm đến, trong khi đó, khách Tây lại thích thú khi được lần mò địa chỉ thưởng thức nghệ thuật. Đã thế, nghệ sỹ Thanh Liêm tổ chức biểu diễn ở ngay trên sân thượng của ngôi nhà, mùa hè nắng nóng đổ mồ hôi, khách Tây vẫn cứ miệt mài xem đến hết. Có lẽ, về đoạn chịu gian khổ khách Tây hơn hẳn khách ta chăng? Càng ngày càng đông khách du lịch tới thăm Việt Nam, cho nên anh Thanh Liêm vẫn lạc quan: “Chỉ cần mỗi đoàn ghé vào xem một, hai lần cũng đã vui, khỏe rồi”. Ngay chính người tổ chức cũng đâu hi vọng gì vào khán giả “nội”?