Giữ chân người tham gia BHXH sau đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Khi người lao động tới làm thủ tục hưởng BHXH một lần, nhân viên BHXH sẽ tăng cường tư vấn để người lao động thay đổi ý định chuyển sang bảo lưu thời gian đóng hoặc tham gia tiếp BHXH tự nguyện
Khi người lao động tới làm thủ tục hưởng BHXH một lần, nhân viên BHXH sẽ tăng cường tư vấn để người lao động thay đổi ý định chuyển sang bảo lưu thời gian đóng hoặc tham gia tiếp BHXH tự nguyện
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều người lao động (LĐ) tạm thời mất việc làm, cùng tâm lý lo cuộc sống trước mắt chưa nghĩ tới mai sau, khiến số lượng người rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gia tăng, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội lâu dài. Vì an sinh lâu dài của người dân, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để giữ chân người LĐ ở lại hệ thống BHXH.

"Thiệt đơn, thiệt kép" khi nhận BHXH một lần

Theo BHXH Việt Nam, số người LĐ nghỉ việc hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2020, số người hưởng BHXH một lần tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%; riêng quý 1/2021, đã có hơn 226.500 người nhận BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có nhiều người nghỉ việc và mất khả năng LĐ, không đủ khả năng đóng BHXH tiếp, việc hưởng BHXH một lần hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, thực tế đa số người hưởng BHXH một lần vẫn còn khả năng LĐ, sau dịch bệnh tiếp tục trở lại làm việc và tham gia BHXH, việc “gặt lúa non” để giải quyết trước mắt, đã lấy đi cơ hội sau này hết tuổi lao động có lương hưu, không phải phụ thuộc con cháu về tài chính.

Việc người LĐ rời hệ thống BHXH không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi mỗi người, còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.

Bà Nguyễn Thị Minh (67 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) kể, bà làm tại việc tại cửa hàng bách hoá từ năm 1975 đến năm 1994, sau đó nhận trợ cấp thôi việc. Dù đã gần 70 tuổi, nhưng ngoài số tiền ít ỏi tích luỹ được từ việc buôn bán trong thời gian có sức khoẻ, bà Minh không có nguồn thu nào để trông vào, các rủi ro sức khoẻ cần số tiền lớn bà phải cậy nhờ con cái.Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe... là những rủi ro của người lao động tự do khi về già.

Hiểu được điều đó, ông Bùi Minh Nhật (số nhà 142, Mai Hắc Đế, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sau khi dừng đóng BHXH bắt buộc đã chọn bảo lưu thời gian đóng và tham gia BHXH tự nguyện tiếp để nhận lương hưu, thay vì rút BHXH một lần.

“Trước đây tôi làm tự do, gần 45 tuổi mới xin làm bảo vệ và bắt đầu đóng BHXH bắt buộc. Đầu năm 2021, tôi đủ 60 tuổi, nhưng thời gian tham gia BHXH mới chỉ được hơn 15 năm. Một số người khuyên tôi rút BHXH một lần, nhưng tôi nghĩ lấy BHXH một lần cũng chỉ trang trải cuộc sống trước mắt, ngày tháng nghỉ hưu biết trông chờ vào đâu. Con cháu có phận của con cháu, cũng không khá giả để chu cấp được nhiều tài chính cho bố mẹ, nên tôi quyết định đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 5 năm còn thiếu để đủ điều kiện và đã được nhận lương hưu, thêm quyền lợi tham gia bảo hiểm y tế miễn phí”, ông Nhật nói.

Để giữ chân người LĐ

Ông Điều Bá Được, nguyên Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, việc hưởng BHXH một lần là tước đi quyền có lương hưu của chính mình. Cũng có người vì chưa hiểu nguyên tắc của Quỹ BHXH, lo ngại điều này điều khác, lo mất tiền. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã hiểu hơn về BHXH, thậm chí tham gia tự nguyện, hoặc các hình thức bảo hiểm khác cho tương lai an toàn hơn. Trong số các loại hình bảo hiểm, BHXH vẫn là trụ cột của an sinh xã hội.

Từ thực tế trên, BHXH các địa phương đã có nhiều giải pháp để giữ chân người LĐ ở lại hệ thống BHXH. Trọng tâm các giải pháp là mở rộng mạng lưới thông tin, truyền thông, tư vấn, dẫn chứng cụ thể lợi ích giữa nhận BHXH một lần và tích luỹ để có lương hưu, quyền lợi tăng lương, bảo hiểm y tế...

Theo BHXH Thanh Hóa, trong 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 19.486 người rút BHXH một lần, và còn tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều người mất việc làm, cần nguồn tài chính để trang trải cuộc sống.

“Việc người LĐ rút BHXH một lần sẽ tước đi quyền lợi của chính họ trong tương lai, khi đi làm trở lại sẽ tính đóng BHXH từ đầu, nhiều trường hợp thời gian đóng tiếp BHXH không đủ điều kiện nhận lương hưu khi về già. Thay vì thế, người LĐ có thể bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để sau này đi làm đóng tiếp, hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ tiền đóng của nhà nước, giúp an tâm có lương hưu khi hết tuổi làm việc”, bà Đỗ Thị Dung, Trưởng Phòng Chế độ BHXH (BHXH Thanh Hóa) nói.

Do đó, theo bà Dung, nhiều người LĐ khi làm thủ tục hưởng BHXH một lần, nhân viên BHXH tư vấn nên bảo lưu thời gian đóng, để có thể đóng tiếp khi đi làm lại hoặc chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện và nhiều người LĐ đã lựa chọn bảo lưu.

Bà Dung cũng đề xuất điều chỉnh các quy định hiện hành, hoàn thiện các chính sách BHXH tự nguyện để giữ người lao động ở lại hệ thống BHXH, vì mục tiêu an sinh xã hội bền vững.

Từ năm 2003 tới nay nhà nước đã có 17 lần tăng lương hưu để đảm bảo quyền lợi cho người nhận lương từ Quỹ BHXH. Bộ LĐ-TB&XH đang kiến nghị sửa Luật BHXH, trong đó có phương án giảm điều kiện thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 10-15 năm.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.