Giữ biển đảo không tiếc tuổi xuân

Giữ biển đảo không tiếc tuổi xuân
TP - Cuộc hội ngộ trọng thể lần đầu tiên sau 1/4 thế kỷ kể từ ngày trở về từ "vòng tròn bất tử " Gạc Ma (Trường Sa), trước hàng trăm bạn trẻ ĐVTN Đà Nẵng, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Lanh - một trong những người cuốn lá cờ Tổ quốc nhuộm máu hồng ở Gạc Ma ngày 14-3-1988, dõng dạc: Giữ gìn biển đảo, tuổi thanh xuân có nghĩa lý gì ! Thà hy sinh chứ không bao giờ chịu mất đảo.

> Hội ngộ những người lính giữ cờ chủ quyền
> Nóng bỏng Cô Lin, sôi sục Sinh Tồn
> Trường Sa 1988: Giáp mặt tàu chiến Trung Quốc (P1)

"Vòng tròn bất tử"

Đông đảo quan khách, đại biểu, cựu chiến binh Trường Sa cùng hàng trăm ĐVTN trong trường quay Đài truyền hình Đà Nẵng lặng phắc khi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng Thái Thanh Hùng đọc lại diễn biến cuộc hải chiến Gạc Ma, từ ngày 13-3 đến hết ngày 14-3-1988. Như những thước phim quay chậm, hào hùng và bi tráng, "vòng tròn bất tử" Gạc Ma lại hiển hiện sau 25 năm.

Những cánh tay siết chặt, cái ôm nồng ấm, giọt nước mắt lăn dài... Buổi trùng phùng, hội ngộ đầu tiên của hàng chục cán bộ, chiến sĩ thân nhân gia đình liệt sĩ sau tròn 25 năm rất xúc động.

Giây phút hội ngộ giữa hai cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Lanh và Lê Hữu Thảo, chưa một lần gặp lại nhau kể từ ngày ấy khiến không gian lặng phắc. Từ sân khấu giao lưu, người anh hùng Gạc Ma Nguyễn Văn Lanh vội chạy đến siết tay, ôm chầm đồng đội Thảo. Dáng người mảnh khảnh, nhưng ở ông Lanh toát lên sự kiên cường, rắn rỏi.

Trận hải chiến Gạc Ma, ông Lanh trở thành biểu tượng sự quả cảm cùng liệt sỹ Trần Văn Phương quyết giữ lá cờ chủ quyền trước sự giằng co, xâm lược trái phép của lính chiến Trung Quốc. Binh nhất Lanh thuộc lực lượng Công binh E83 ngày đó, vững vàng trước làn đạn, lưỡi lê sắc loáng đâm bả vai, bụng, gục ngã hòa máu đỏ tươi lên lá cờ Tổ quốc dựng giữa đảo chìm Gạc Ma.

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh nghẹn ngào gặp lại đồng đội Lê Hữu Thảo sau 25 năm
Anh hùng Nguyễn Văn Lanh nghẹn ngào gặp lại đồng đội Lê Hữu Thảo sau 25 năm.

"Đó là cuộc chiến không cân sức, trước tôi có 2 lính Trung Quốc cầm lê đâm tới, phía sau lại thêm một mũi lê. Tránh được phía trước nhưng tôi vẫn dính một mũi từ bả vai. Rồi sau đó, trong tích tắc, đạn nã ầm ầm" - ông Lanh nhớ lại.

Trong kí ức, người hùng giữ cờ Nguyễn Văn Lanh đau đáu mong tìm gặp đồng đội giúp mình thoát làn nước thủy triều trong lúc hôn mê vì trọng thương.

Ông Lanh trìu mến gọi cựu binh Thảo bằng hai từ “ân nhân”. Trung sĩ Thảo (quê Hương Khê, Hà Tĩnh), thuộc Lữ đoàn 147 tăng cường cho Lữ đoàn 146 trên tàu HQ 604 – người trực tiếp cắm cờ trên đảo Gạc Ma, kết “vòng tròn bất tử”.

Thoát khỏi loạt đạn và từng tràng pháo cối xối xả của Trung Quốc, ông Thảo ngụp lặn tìm đồng đội. Vớt được thi thể liệt sỹ Trần Văn Phương, ông Thảo phát hiện tiếng rên yếu ớt, kịp thời đưa ông Lanh lên tấm ván nổi, mang về xuồng và chuyển vào đảo Cô Lin, đến đảo Sinh Tồn. Trong đêm, ông Thảo trực thi thể liệt sỹ Phương, còn ông Lanh được chuyển vào bờ điều trị.

Thà mất tuổi thanh xuân chứ không bao giờ chịu mất đảo

Chứng kiến buổi giao lưu, nhiều bạn len lén quay mặt lau nước mắt. Khúc tráng ca bất tử của 25 năm ở Gạc Ma mồn một hiện rõ.

Một bạn trẻ mặc áo xanh thanh niên chăm chú lắng nghe lời kể của ông Lanh từ phút đầu, hỏi: "Khi bị lưỡi lê đâm, máu tuôn xối xả nhưng chú vẫn giữ vững lá cờ đỏ sao vàng, vẫn chiến đấu hết mình trong cuộc chiến sáp lá cà với quân địch. Động lực nào giúp chú chiến đấu như vậy?".

 Chính quyền Đà Nẵng luôn hướng về Trường Sa, Hoàng Sa bằng những hành động thiết thực và cụ thể, đặc biệt là giúp đỡ ngư dân bám biển và giáo dục ý thức, lòng yêu nước, lịch sử hai quần đảo của Việt Nam cho thế hệ tuổi trẻ, thế hệ tương lai.

ông Phùng Tấn Viết
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định

Người anh hùng Gạc Ma nói: "Buổi sáng 14-3 trước khi giao tranh, biển bình yên. Anh em hút thuốc, bình tĩnh chờ đợi trước những họng súng đen ngòm của quân địch. Tôi, anh Phương, anh Phong và tất cả đều bảo nhau: Thà hy sinh tuổi thanh xuân chứ không bao giờ chịu mất đảo. Giữ gìn biển đảo thì tuổi xuân nào có nghĩa lý gì. Rồi anh lặng người khi nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống: Bạn tôi đều chết trẻ, rất trẻ, người chưa vợ, đứa chưa có người yêu. Có thể khẳng định với bạn rằng, chúng tôi cảm thấy tự hào vì đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc".

Cụ Lê Thị Muộn (mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự - Đà Nẵng) đã ngoài 80 tuổi, tóc bạc trắng. Cụ mặc lại tấm áo hải quân mà đồng đội gửi về từ 25 năm trước, sau khi anh hy sinh. Tấm áo giúp cụ ngày ngày cảm nhận được hơi ấm con trai.

Cụ nói trong nước mắt: "25 năm lúc nào mẹ cũng nhớ con, và mẹ tự hào vì con, bởi máu con hòa xuống biển là để giữ biên cương Tổ quốc. Từ sáng sớm, bà Trương Thị Ngò, mẹ liệt sĩ Gạc Ma Nguyễn Bá Cường nhờ người thân chở từ Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) ra Đà Nẵng. Chứng kiến những phút giây lịch sử, khóe mắt bà rưng rưng. Đã 25 năm, bà không còn nước mắt để khóc.

Cụ Muộn tại buổi gặp gỡ
Cụ Muộn tại buổi gặp gỡ.

Hơn 90 tuổi, cụ Trần Huỷnh (phường Hòa Cường Bắc, Đà Nẵng), cha liệt sĩ Trần Tài, run run lấy khăn chặn lên dòng nước lăn dài. Trước giờ tham dự buổi giao lưu, cụ Huỷnh thắp nén nhang lên bàn thờ con trai. Sau bao nhiêu năm, cụ kể vẫn nhớ từng cử chỉ, dáng hình cậu con trai đang độ tuổi đôi mươi rắn rỏi, vui tươi lúc lên đường nhận nhiệm vụ Trường Sa.

Thượng tá Hoàng Hoan - Phó Chính ủy Trung đoàn 83 (giai đoạn 1988-1997) giải đáp thắc mắc của một bạn trẻ về những khó khăn trong việc xây đảo thời kỳ đó: Trong ba cái khó, thứ nhất là phương tiện, thứ hai là nước ngọt thì việc luôn gặp phải sự tấn công, gây căng thẳng và khiêu khích của phía Trung Quốc khiến chiến sĩ công binh xây đảo Trường Sa phải quyết tâm bội phần. Trận hải chiến Gạc Ma là một minh chứng lịch sử, hùng hồn và bi tráng.

Mong một lần trở lại Trường Sa

Rời quân ngũ, trung sĩ Lê Hữu Thảo làm đủ nghề mưu sinh. Ông kể, chục năm nay, mỗi lần có điều kiện, ông lại tìm kiếm dòng thông tin về các đồng đội Gạc Ma 25 năm trước. “Tôi chỉ mong một điều có thể tìm gặp được hết đồng đội, gia đình, thân nhân liệt sĩ để thắp cho họ nén hương”.

Ông Thảo xúc động nói với PV Tiền Phong : “Tôi ước gì cùng đồng đội còn sống sau Hải chiến Gạc Ma có dịp trở lại Trường Sa, có dịp nhìn thấy Cô Lin, Len Đao..., thả cho bạn cũ một vòng hoa xuống trùng khơi. Nơi đó, linh hồn những người bạn tôi vẫn còn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.