Giới trẻ trong 'đại dương' thông tin mạng

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Chúng ta đang có nguy cơ chết chìm trong đại dương thông tin - không gian mạng, vậy mà vẫn thường xuyên “đói khát” về trí tuệ. Điều đó có nghĩa là sự bội thực các thông tin giả đang chen lấn, đè nén con người”, GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết.

Thông tin giả đang chen lấn, đè nén

GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong xu thế toàn cầu hoá, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thời cơ, vận hội lớn để phát triển đan xen cùng những nguy cơ, thách thức không kém phần nghiệt ngã trên con đường phát triển. Trong bối cảnh đó, tinh thần cống hiến vì đất nước phải trở thành khát vọng cống hiến mà mỗi người dân, nhất là những người trẻ tuổi - thanh niên, sinh viên, trí thức cần được giáo dục và tự giáo dục về văn hoá. Đó là giáo dục lý tưởng, lẽ sống, niềm tin khoa học và hành động sáng tạo.

Đã từng có nhận xét mang tính cảnh báo mạnh mẽ rằng, con người chúng ta, nhất là lớp trẻ đang phải đối mặt với một nghịch lý: Chúng ta đang có nguy cơ chết chìm trong đại dương thông tin - không gian mạng, vậy mà vẫn thường xuyên “đói khát” về trí tuệ. Điều đó có nghĩa là sự bội thực các thông tin giả đang chen lấn, đè nén con người. Vì vậy, phải có sự định hướng thông tin, thực chất là định hướng giá trị sống, đón nhận thông tin chân thực, biết từ chối và phê phán những luồng thông tin xấu độc để tự bảo mình và bảo vệ cộng đồng. “Sức mạnh cho ta khả năng ấy chính là văn hoá, nó xa lạ và đối lập với phản văn hoá. Nội lực và nội sinh ấy chỉ sinh ra từ những con người có giáo dục, nghĩa là những con người tử tế, lương thiện, trung thực và chính trực, sống có trách nhiệm với mình, với những người khác, với xã hội, biết tôn trọng và bảo vệ chân lý cũng như đạo lý ở đời”, ông Bảo cho hay.

Giới trẻ trong 'đại dương' thông tin mạng ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc Ảnh: Như Ý

Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Các đặc trưng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là Dân tộc - Nhân văn - Dân chủ - Khoa học, là cơ sở để xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam từ trong gia đình đến ngoài xã hội, trở thành các chuẩn mực về đạo đức, thực hành trong lối sống nhằm phát triển trí tuệ, năng lực, sáng tạo, thúc đẩy hành động vì cộng đồng.

Giới trẻ trong 'đại dương' thông tin mạng ảnh 2

“Thông điệp văn hóa và phát triển của Hồ Chí Minh và của Đảng ta, lấy hạnh phúc của nhân dân và dân tộc làm cơ sở tiếp thu tinh hoa của mọi nền văn hoá trên thế giới để làm nên văn hóa Việt Nam, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa sửa chữa thói phù hoa, xa xỉ, chữa được các chứng bệnh quan liêu và tham nhũng, mãi mãi tỏa sáng giá trị và sức sống”.

GS. Hoàng Chí Bảo

Các chuẩn mực về đạo đức, cần kiệm, liêm chính, nhân ái, vị tha, khoan dung của con người Việt Nam thời hiện đại trong giáo dục và thực hành ngay từ trong đời sống gia đình đến nhà trường và các công sở, cơ quan, đoàn thể và các tổ chức xã hội sẽ làm cho gia đình trở thành những tế bào lành mạnh. Theo GS Bảo, chỉ số hạnh phúc là chỉ số nổi bật, quan trọng nhất của phát triển, cả vật chất lẫn tinh thần. Niềm tin của con người với chế độ là tài sản quý báu của Đảng và dân tộc phải được củng cố, giữ vững và phát huy. Sự hài lòng của người dân về cuộc sống, về Đảng và Nhà nước của mình, về những tấm gương điển hình trong đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức đã tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân là thước đo phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ, năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị.

Ngăn chặn xuống cấp về văn hóa

Nhìn từ văn hoá và con người Việt Nam, theo GS Hoàng Chí Bảo để lực đẩy được khai thông lại cần phải nỗ lực vượt qua những lực cản. Đó là những điểm nghẽn cần có những đột phá tương ứng, bằng cách phát huy các tiềm năng sáng tạo của con người Việt Nam, các trữ năng của văn hoá Việt Nam. Qua đó, phải ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hoá, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội; kiên quyết chống không chỉ tham nhũng mà còn cả các tiêu cực và tệ nạn xã hội bằng cách tăng cường kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, pháp luật, pháp chế và kỷ cương xã hội cùng với đẩy mạnh thực hành dân chủ, từ trong Đảng đến ngoài xã hội.

Cùng với đó, phải ra sức xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, trong đó có nhà nước liêm chính, chính phủ liêm chính.

Cũng theo GS Hoàng Chí Bảo, trong chiến lược phát triển văn hoá và con người phải đặc biệt quan tâm thực hiện quốc sách hàng đầu là giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ để nuôi dưỡng và phát huy các nhân tài, hiền tài có khát vọng cống hiến, đem trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết và bản lĩnh thực hiện khát vọng đó, đặc biệt là thế hệ trẻ. Giá trị văn hoá và con người Việt Nam phải tác động vào thế hệ trẻ sao cho tuổi trẻ Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích và sáng tạo, đi tiên phong trong đổi mới, cống hiến lớn để thực hiện khát vọng phát triển đất nước.

“Văn hoá và con người Việt Nam, nhất là văn hoá của thanh niên, tài năng và trí tuệ thanh niên, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị của thanh niên là nguồn lực nội sinh vô tận, là tài nguyên quý giá của phát triển đất nước, là sức mạnh bảo vệ biên cương văn hoá, tư tưởng trong kỷ nguyên số và không gian mạng”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG