Giới trẻ nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm vì "sống ảo"

TPO - Nhiều bạn trẻ đã mắc bệnh nguy hiểm vì quá mê mải "sống ảo", "câu like" trên mạng xã hội.

Sự ra đời của các trang mạng xã hội trong thời gian gần đây đã thu hút đông đảo mọi thành phần xã hội tham gia như Facebook, Instagram, Twitter, Zalo, Youtube, Line... nhất là mạng xã hội Facebook chiếm đến hơn 70% giới trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên sử dụng.

Mạng xã hội đã tạo điều kiện cho học sinh THPT luôn cập nhật và bắt kịp với sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Không thể phủ nhận những lợi ích mà MXH mang lại trong học tập và đời sống nhưng một bộ phận học sinh THPT hiện nay đang lạm dụng quá mức MXH đã dẫn đến nhiều vấn đề tâm lí, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và nguy cơ gia tăng hiện tượng ái kỷ trên MXH.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng tới hành vi, lối sống và sức khỏe của thanh thiếu niên. Theo các nhà nghiên cứu tâm lí ở Đại học California (Mỹ) thì việc lạm dụng mạng xã hội có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lí như: rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, tâm thần phân liệt, mặc cảm ngoại hình, nghiện mạng xã hội, ái kỉ tự yêu mình thái quá. Một trong số đó là hiện tượng ái kỷ trên mạng xã hội được cảnh báo có khả năng gây nên những tác động tiêu cực đến giới trẻ ngày nay.

Theo Từ điển Tâm lí học (Vũ Dũng - Chủ biên) cũng định nghĩa: “Rối loạn nhân cách ái kỷ có nghĩa là yêu bản thân quá mức. Đây là một dạng rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện tự cao tự đại, ảo tưởng và thiếu đồng cảm với người khác”.

Ái kỷ không giống các rối loạn nhân cách khác. Người ái kỷ có thể gây ra sự khó chịu nhưng họ không thực sự gây hại đến người khác. Những dấu hiệu của ái kỷ trở thành một đặc điểm phố biến đến mức rất nhiều người sở hữu, và vì vậy nó lại tăng thêm yếu tố bình thường. Nhưng trong xã hội có nhiều người ái kỷ thì điều này lại bất thường vì nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chính họ, chủ yếu là những người của thế hệ trẻ. Đối với cuộc sống riêng tư cũng như sự nghiệp của họ, ái kỷ khiến họ gặp khó khăn kết nối với mọi người. Họ hạn chế trong việc tạo ra mối quan hệ thực mà thay vào đó, truyền thông xã hội thay thế và trở thành môi trường trung gian cơ bản trong việc tạo lập quan hệ xã hội. 

Người ái kỷ luôn có xu hướng tự cao tự đại, cho mình là trung tâm của vũ trụ dẫn đến tính cách phát triển lệch lạc, khó hòa nhập với xã hội. Người ái kỷ luôn ảo tưởng về bản thân nên bị đắm chìm trong một hình mẫu lí tưởng không phải chính mình, mà chỉ do bản thân xây dựng nên. Nhiều trường hợp do quá ảo tưởng đã dẫn đến tự tự, ví dụ như Danny Bowman được ghi nhận là trường hợp nghiện selfie dẫn đến tự tử đầu tiên ở Anh. Người ái kỷ vô cảm trước mọi sự vật và đời sống, không quan tâm đến những gì đang xảy ra trong cuộc sống thực, thiếu sự đồng cảm với những hoàn cảnh xung quanh. Điều này dẫn đến những lệch lạc trong tính cách và đời sống tình cảm, ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

           Một trong những hệ lụy mà mạng xã hội mang lại, phổ biến nhất là sự phát triển của mạng xã hội đã làm nảy sinh biểu hiện "nghiện" mạng xã hội của không ít những bạn trẻ, nhất là các bạn tuổi thanh thiếu niên. Họ dành quá nhiều thời gian của mình để lên mạng và đắm chìm trong những trang mạng xã hội. Từ đó, giảm sự tương tác với người thân, gia đình, bạn bè và ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có xu hướng “sống ảo” trong đời thực, những bạn này thường tự vẽ ra cho mình một cuộc sống hoàn toàn khác với bên ngoài. Từ đó, xao nhãng những mục tiêu thực của cuộc sống và chìm đắm trong thế giới ảo do chính bản thân tô vẽ nên. 

Ảnh hưởng đến sức khỏe: Nhiều bạn “nghiện” MXH đến quên ăn, quên ngủ dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như đau đầu, mỏi mắt, đau lưng, mất ngủ… và suy giảm trí nhớ. Thậm chí, có nguy cơ mắc các bệnh tâm lí như trầm cảm, tự kỉ, ái kỉ.  

Bên cạnh đó, sự phát tán thông tin từ mạng xã hội rất nhanh và dễ dàng, tạo môi trường để những kẻ xấu lợi dụng, gây nguy hại đến tư tưởng, tinh thần của người dùng mạng xã hội. Những tác hại tiêu cực từ internet, đã phần nào làm hạn chế các giá trị đạo đức, văn hóa nhân văn của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay. 

Những thông tin không có nguồn gốc chính thống hoặc sai sự thật chưa được kiểm duyệt… khiến giới trẻ có những suy nghĩ lệch lạc ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, thậm chí còn bị lôi kéo bởi các phần tử phản động.

Một người ái kỷ khi đăng tải một bức ảnh hay cập nhật trạng thái trên MXH luôn mong muốn nhận được thật nhiều “like” và comment. Họ cho rằng số like càng nhiều thì họ càng nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Mỗi khi đăng một dòng tâm trạng hay một tấm ảnh, họ chỉ chăm chăm liên tục vào xem có bao nhiêu người like. 

Chính nhờ các “thánh like” mà có nhiều người ảo tưởng về bản thân mình. Một người có dấu hiệu ái kỷ thường xuyên cập nhật trạng thái (đăng status) quá nhiều trên mạng xã hội. Những nội dung đăng tải đó thường mang tính chất khoe khoang về bản thân (khoe đồ, khoe người yêu, khoe cuộc sống xa hoa…), hoặc có thể là những phát ngôn gây sốc, những dòng trạng thái không rõ ràng để “câu like”… đơn giản là họ hùa theo số đông theo kiểu “anh hùng bàn phím”.

          Những người ái kỷ luôn khao khát một cuộc sống hoàn hảo và muốn vẽ lên một bức tranh cuộc sống vô cùng tuyệt vời. Bình thường thì điều đó sẽ làm tăng thêm động lực và niềm vui trong cuộc sống nhưng  với một số người ái kỷ, điều này sẽ kéo dài lê thê không có hồi kết. Nhiều người thậm chí thêm thắt hay bịa chuyện về những gì xảy ra với họ để tăng thêm sự chú ý. Nó có thể trở thành chất gây nghiện, khiến con người ảo tưởng vào mọi thứ xung quanh mình.

        Để hạn chế những  những mặt tiêu cực của mạng xã hội cũng như hiện tượng ái kỷ trong học sinh, các nhà trường cần tăng cường các chương trình ngoại khóa, các diễn đàn dành cho học sinh về mặt tích cực và mặt tiêu cực của mạng xã hội; Tạo môi trường cho học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, tham quan, dã ngoại để học sinh được gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống thực tại. Tại các trường THPT, THCS có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về mạng xã hội, hướng học sinh biết lựa chọn thông tin có ích và phù hợp với lứa tuổi; vận động học sinh tham gia các chương trình nhân đạo, từ thiện, tình nguyện. Tổ chức các hoạt động tọa đàm, gặp gỡ các chuyên gia về tâm lý để học sinh nhận thức rõ hơn về hiện tượng ái kỷ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.