'Gieo chữ' ở Cà Moong

'Gieo chữ' ở Cà Moong
TPO - Những giáo viên tuổi còn rất trẻ từ bỏ sự náo nhiệt, sầm uất của phố thị, quyết tâm lên vùng “4 không” khó khăn nhất Nghệ An để “gieo chữ”. Động lực lớn nhất để họ vượt qua là thấy học sinh được đến lớp, “ê a” bên ánh đèn mập mờ cho ánh sáng mai sau thay đổi Cà Moong.

Nhọc nhằn đến lớp

Đi xe máy khoảng 20km từ trung tâm thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương (Nghệ An) vào tới bản Côi (xã Lượng Minh), thầy Lô Văn Tuân, Hoàng Mạnh Toàn, Đào Như Kiều, cô Vi Thị Hồng Vân, Lương Thị Vân dừng xe lại. Hành trình gian khổ bắt đầu.

Sau mưa lũ, con đường vào bản Cà Moong bị cắt đứt. Để vào được điểm trường này, 5 thầy cô giáo phụ trách phải thay nhau “cõng xe máy” đi bộ 4 giờ đồng hồ mới tới được một khoảng rừng gần bản. Tại đây, các giáo viên sẽ để lại xe máy và đi bộ khoảng 30 phút tới điểm trường. Nơi đó, họ có những ánh mắt trẻ thơ đợi chờ.

'Gieo chữ' ở Cà Moong ảnh 1 Quãng đường các giáo viên Cà Moong tới lớp đầy gian truân, nhọc nhằn.

Lau giọt mồ hôi còn lẫm tẫm trên khuôn mặt, thầy Hoàng Mạnh Toàn cho biết: “Chúng tôi vừa gánh xe qua mấy chỗ nhưng đến đây thì chịu, đành để xe giữa đường rồi đi bộ vào điểm trường thôi. Chú nhìn xem, núi lở như thế này thì ai dám đưa xe xuống được. Ngã xe là chuyện thường như cơm bữa, đến giờ, tôi không nhớ mình ngã bao nhiêu lần nữa”.

Cũng theo thầy Toàn, đến điểm trường bản Cà Moong thì còn một con đường khác, đó là đi từ trung tâm thị trấn Hòa Bình vào bản Vẽ, sau đó gửi xe và đi thuyền vào, các thầy cô sẽ tiếp tục đi bộ một giờ đồng hồ thì mới tới Cà Moong. Con đường này, giáo viên sẽ đi mỗi khi trời mưa.

Chiếc ba lô sau lưng của thầy Toàn không bao giờ thiếu được là đôi ủng hoặc dép rọ cùng vài bộ quần áo. Năm thầy cô giáo sẽ thay phiên nhau hàng tuần về nhà mang thêm thức ăn dự trữ vào. Đó là cách để họ có thể tồn tại trên “ốc đảo Cà Moong”.

Trong số các giáo viên cắm bản ở Cà Moong, thầy Lô Văn Tuân là người có thâm niên nhất. Thầy Tuân vốn gốc ở xã Kim Đa nhưng do ảnh hưởng của việc xây dựng thủy điện Bản Vẽ nên gia đình chuyển về khu tái định cư xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương). Được tạo điều kiện về dạy gần nhà nhưng thầy Tuân không nỡ xa học sinh nơi này nên quyết định ở lại bám trường.

Trong khi chia sẻ, thầy Tuân cởi áo, chỉ cho chúng tôi xem những vết thương bầm tím trên người. Vết thương không thể lành lặn sau mỗi lần ngã xe. “Tuần nào có thời gian rảnh, tôi đều tranh thủ vượt rừng hoặc thuê thuyền về nhà thăm vợ con một ngày rồi lại chạy lên. Ở đây mỗi lần đi vào hay đi ra anh em trong trường đều phải đi với nhau. Chứ đi một mình rất nguy hiểm, lỡ có ngã xe hay gặp trời mưa… nhiều hôm mệt quá muốn lăn ra bên đường ngủ nhưng lại sợ nên đành gắng gượng”, thầy Tuân kể lại.

“Bóng hồng” cắm bản Cà Moong

Bóng đêm tĩnh mịch tại bản Cà Moong bất chợt được đánh tan bởi ánh sáng từ đèn pin và tiếng trẻ ới gọi nhau tới lớp. Chiếc đèn tích điện được phụ huynh cùng nhau góp mua được bật sáng. Cô Vi Thị Hồng Vân, (SN 1993, quê xã Yên Thắng, huyện Tương Dương) ra đón học trò ở cửa lớp. “Vào mỗi tối, học sinh thường không phải làm việc hay đi nương rẫy và để chất lượng học tập được nâng cao, các em sẽ tới lớp để thầy cô quản lý cùng dạy học”, cô Vân cho biết.

'Gieo chữ' ở Cà Moong ảnh 2 Cô giáo Lương Thị Vân trong giờ lên lớp.

Trong 5 giáo viên cắm bản, trừ thầy Tuân và thầy Toàn là thế hệ “8X” thì 3 giáo viên còn lại đều “9X”. Vừa rời ghế giảng đường đại học, những giáo viên này tình nguyện tới Cà Moong cắm bản. Cô giáo Lương Thị Vân (SN 1994, quê xã Xá Lượng) đã có 2 năm “gõ đầu trẻ” ở Cà Moong.

Ngồi bên bếp lửa, Vân chia sẻ: “Sau khi ký hợp đồng với trường Tiểu học Lượng Minh thì em đến Cà Moong cắm bản. Bố mẹ lo lắng nhưng đến bây giờ, em rất hạnh phúc với quyết định của mình. Số học trò do em đứng lớp thông minh lắm, kết thúc năm học nhiều em đậu vào trường Nội trú huyện Tương Dương. Khó khăn đủ bề nhưng thấy học trò chăm học là động lực cho em và anh chị trong nghề”.

'Gieo chữ' ở Cà Moong ảnh 3 Hai "bóng hồng" Cà Moong thức đêm soạn giáo án cho tiết học hôm sau. 

“Lần đầu tiên vượt đường rừng một mình đến điểm trường, em sợ, người run bần bật. Ở đây không có điện, không có nước, không có trạm y tế, không có sóng điện thoại có thể hiểu khó khăn thế nào nhưng nếu mình lùi bước bỏ nghề thì học trò nơi đây sẽ ra sao. Em không dám nghĩ hay hình dung về điều này. Giáo viên như chúng em cũng là thầy thuốc bất đắc dĩ, mỗi khi học trò ốm, phụ huynh thì đi nương rẫy, mọi việc chúng em phải lo”, Vân chia sẻ thêm.

Buổi tối, sương rơi nặng hạt, đứng giữa núi rừng Cà Moong sẽ thấy một ánh sáng từ điểm trường nhỏ cắt ngang tấm màn đêm khổng lồ. Ở đó, tiếng trẻ “ê a” học bài và người giáo viên cần mẫn chỉ dạy sẽ đẹp hơn bao giờ hết khi một ngày “con chữ” đổi thay Cà Moong.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.