Ở văn phòng của đội thi công tu bổ của Công ty cấp nước Trung An (thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn), nằm trong công viên Gia Định có một hệ thống giếng cổ do người Pháp xây dựng từ gần 100 năm trước.
Đầu những năm 1900 đến 1930, để đáp ứng nhu cầu nước gia tăng, người Pháp đã cho xây dựng thêm một số captage. Captage là cụm gồm nhiều giếng cạn dùng để trữ nước, sau đó bơm lên các đài đem đi phân phối cho người dùng. Lối xuống giếng ở trong văn phòng, thường ngày được che đậy bằng tấm bê tông, vừa đủ một người chui xuống.
Hệ thống cung cấp nước cho Sài Gòn - Chợ Lớn có 6 cụm giếng cạn. Mỗi cụm có 10 - 20 giếng cạn, được bố trí theo vòng tròn, bán kính cách giếng trung tâm khoảng 200 m. Cụm giếng cạn Gò Vấp được xây dựng năm 1923. Lối xuống giếng trung tâm này là những bậc thang làm bằng xi măng.
Mỗi giếng cạn có đường kính từ 1,6 m đến 2,2 m, riêng giếng trung tâm đường kính khoảng 7 m, sâu 13 m - 20 m. Vách giếng lúc trước xây gạch, sau dùng ống bêtông cốt thép chống suốt chiều sâu giếng.
Trong lòng giếng có đặt ống bằng gang, phía dưới cùng của ống nối với trụ lọc đặt gần đáy giếng, phía ngoài trụ lọc là lớp sạn lọc. Phía dưới lớp sạn lọc (đáy giếng) là các lớp cát, cách làm này giúp nước sạch hơn..
Từ giếng trung tâm nước sẽ được khử trùng rồi được bơm vào các hồ chứa, thủy đài hoặc đưa thẳng ra mạng phân phối cho người tiêu dùng qua hệ thống máy bơm.
Đến năm 1930, toàn bộ các hệ thống giếng cạn đã cung cấp một lượng nước trung bình 30.000 m3 một ngày cho vùng Sài Gòn - Chợ Lớn với số dân khoảng 300.000 người.
Các giá đỡ hệ thống đường ống nước nằm trong giếng đã được tháo bớt ra.
Hiện phần lớn các cụm giếng cạn ở Sài Gòn đều bị vùi lấp hoặc phá bỏ. Trong đó, giếng trung tâm ở Gò Vấp là một trong số ít giếng còn khá nguyên vẹn. Nhưng theo thời gian, các kết cấu của giếng đã bị gỉ sét. Để phục vụ cấp nước an toàn, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn có kế hoạch cải tạo sử dụng mặt bằng của giếng cạn để xây dựng các bể chứa lớn, trạm bơm trung gian nhằm dự trữ nước sạch, phòng cháy chữa cháy...