Giật mình với số lượng chợ 'tự phát' ở Hà Nội

60% chợ đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội là chợ tự phát
60% chợ đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội là chợ tự phát
TPO - Làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ngày 1/12, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết hiện diện tích trồng rau đủ điều kiện an toàn thực phẩm toàn thành phố mới đạt khoảng 50%, số chợ tự phát trên địa bàn chiếm đến 60%.

Ngày 1/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với chuyên đề "Sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội". Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP chủ trì hội nghị.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hiện Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau 12.000ha, phân bổ ở 22 quận, huyện, thị xã, với sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất đạt 5.044ha, 224ha rau VietGAP và gần 50ha rau hữu cơ.

Hiện có 1.420 chợ kinh doanh sản phẩm động vật, trong đó, có 528/1.420 chợ có phép, số còn lại là chợ hoạt động tự phát. Tại chợ, đã thực hiện kiểm soát giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, kiểm tra nguồn gốc gia cầm tại các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm và chỉ thực hiện được việc kiểm soát giết mổ tại các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. 

Đã lập danh sách thống kê được 14.409 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó, cấp thành phố quản lý là 990 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Cấp quận, huyện, xã, phường là 13.419 cơ sở. Ở cấp thành phố đã có 97% cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý đã được đánh giá phân loại.

Đại diện  Sở NN&PTNT đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại như: Hệ thống cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm tra đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện, xã, phường, thị trấn chưa cập nhật đầy đủ, thường xuyên. Các quận, huyện triển khai thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT chưa đồng đều. Việc triển khai giữa các địa phương còn khác nhau, một số quận, huyện, và đặc biệt là tuyến xã, phường chưa được quan tâm đúng mức. 

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị quản lý nhà nước sản xuất nông sản, các hợp tác xã nông nghiệp, các hộ đang sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông sản đã đưa ý kiến đóng góp gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội. Trong đó, nhiều ý kiến xoay quanh công tác kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm, trách nhiệm công tác điều hành công tác phối hợp vẫn còn chưa có đầu mối chỉ đạo.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ý kiến cần sửa đổi một số quy định của nhà nước, đặc biệt là các thông tư, các quyết định, nghị định hay các điều khoản trong Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó, xem xét việc sửa đổi, bổ sung luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, những ý kiến đóng góp tại hội nghị hoàn toàn sát với đời sống thực tiễn, có nhiều góp ý để có những điều chỉnh kịp thời về cơ chế chính sách trong quản lý ATTP. 

Chủ tịch HĐND TP yêu cầu Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND TP Hà Nội đánh giá lại toàn bộ việc thực hiện các chính sách về nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có cả những chính sách của trung ương và của Hà Nội để phù hợp với cơ chế đặc thù về nông nghiệp Thủ đô. Bà Ngọc cho biết, HĐND TP sẽ có đánh giá độc lập về những nội dung này để rút ra bài học và đưa ra chất vấn tại kỳ họp  tới.

MỚI - NÓNG