Bộ Công Thương cho biết, tổng khối lượng than cục các loại và than cám 1, 2, 3 được xuất khẩu của Vinacomin tối đa 2 triệu tấn. Trong đó, than cục các loại là 800.000 tấn và than cám 1, 2, 2 là 1,2 triệu tấn. Đối với Tổng Công ty Đông Bắc, tổng khối lượng than cục các loại xuất khẩu là 30.000 tấn.
Năm 2021, Vinacomin và Tổng Công ty Đông Bắc được giao xuất khẩu tổng cộng 1,55 triệu tấn than các loại.
Hai đơn vị cũng được yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện về công tác xuất khẩu than, đảm bảo phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển ngành Than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và không ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu tiêu thụ, sản xuất trong nước.
“Việc xuất khẩu phải đảm bảo hiệu quả kinh tế cao hơn so với tiêu thụ trong nước và tối đa lợi ích kinh tế cho nhà nước, doanh nghiệp”, Bộ Công Thương yêu cầu.
Tại hội nghị thúc đẩy công tác sản xuất than cách đây ít ngày, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết, năm 2022 nhu cầu than tăng cao cả cho nhiệt điện và các khách hàng khác.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp dẫn đến thiếu hụt lao động cùng với giá nhiên liệu tăng, đã ảnh hưởng đến sản xuất của tập đoàn. Ông Hải yêu cầu các đơn vị tập trung huy động tối đa các nguồn lực cho sản xuất, không để đứt gẫy sản xuất ở bất cứ đơn vị nào.
2 tháng đầu năm, than sản xuất của Vinacomin đạt 6,43 triệu tấn, bằng 16,4% kế hoạch năm. Tháng 3/2022, tập đoàn dự kiến sản xuất 4 triệu tấn. Tính chung quý I/2022 than sản xuất ước đạt 10,45 triệu tấn, bằng 26,8% kế hoạch năm, bằng 105% so với cùng kỳ.