Giáo viên võ thuật cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi giá 'cắt cổ'

TPO - Với vỏ bọc là một giáo viên võ thuật nhưng Sỹ lại thu nạp nhiều đối tượng cộm cán để hoạt động cho vay nặng lãi. Hiện, đường dây hoạt động của đối tượng đã bị cảnh sát triệt phá.

Ngày 3/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Văn Sỹ về tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Trước đó, trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An phát hiện tại huyện Diễn Châu có một ổ nhóm tín dụng đen hoạt động rất quy mô. Qua điều tra, cầm đầu đường dây là Phạm Văn Sỹ.

Xác minh, Sỹ là đối tượng khá giỏi võ thuật, bên ngoài Sỹ cũng chiêu sinh rồi mở nhiều lớp dạy võ, thu nạp rất nhiều đối tượng hình sự cộm cán rồi hoạt động cho vay nặng lãi. Trên trang Facebook cá nhân, Sỹ thường đăng ảnh các lớp võ thuật do đối tượng dạy để thể hiện là người làm ăn lương thiện, nhưng đồng thời cũng khuếch trương thanh thế, trấn áp tinh thần các con nợ chưa chịu trả tiền.

Giáo viên võ thuật cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi giá 'cắt cổ' ảnh 1  Đối tượng Phan Văn Sỹ.

Tài liệu trinh sát thu thập, Phạm Văn Sỹ cầm đầu đường dây tín dụng đen cho vay lãi suất rất cao, khoảng từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với 108% đến 180%/năm.

Giữa tháng 5/2020, Ban chuyên án bắt khẩn cấp Phạm Văn Sỹ. Khám xét nơi ở của đối tượng, cảnh sát thu giữ 2 khẩu súng thể thao, 3 thanh kiếm, 2 ĐTDĐ, 95 triệu đồng và 4 cuốn sổ ghi chép cho vay nợ.

Tại CQĐT, Sỹ thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình. Từ năm 2019 cho đến lúc bị bắt, đối tượng đã cho 20 người vay với số tiền 2 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 500 triệu đồng.

Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra mở rộng, đồng thời làm rõ các bị hại trong đường dây cho vay nặng lãi này.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.