Giáo viên “tâng bốc” học trò, chứ không được chê?

Thực hiện đánh giá học sinh bằng nhận xét, nhiều giáo viên tiểu học cho rằng mình phải “tâng bốc” học trò, chứ không được chê. Đây là cách hiểu hạn hẹp bởi hoàn toàn có thể chỉ ra cái chưa được của các em mà không phải chê.

Một số giáo viên (GV) than thở khi cho rằng khi thực hiện Thông tư 30 họ chỉ được dùng những lời nhận xét để khen, khích lệ học trò. Hay còn được hiểu, bây giờ thầy cô phải “tâng bốc” học sinh (HS) cho dù các em có giỏi hay kém, chăm hay lười.

Khi không còn áp lực bởi điểm số và chỉ còn những lời nhận xét khen ngợi - cũng chính là một trong những lý do dẫn đến lo lắng của nhiều GV và cả phụ huynh là trẻ sẽ giảm đi động lực học tập.

Thông tư 30 - nếu hiểu theo “một chiều” chỉ khen học trò là chưa đúng. Theo hướng dẫn thực hiện Thông tư 30 nhấn mạnh: GV cần đặc biệt quan tâm, động viên, khích lệ, biểu dương thành tích, tiến bộ để giúp HS tự tin. Khen ngợi HS làm tốt, động viên HS làm chưa tốt, nêu rõ điểm đáng khen nhưng cũng chỉ ra điểm cần khắc phục cũng như biện pháp hỗ trợ.

Không có nghĩa là GV chỉ nói mặt tốt, chỉ khen ngợi mà trách hoàn toàn có thể chỉ ra điểm chưa được, cần khắc phục của các em. Nhưng không có nghĩa là phải chê!

Học sinh cần được chỉ cụ thể những điều chưa được của mình thay cho những lời chê bai

Học sinh cần được chỉ cụ thể những điều chưa được của mình thay cho những lời chê bai.

Trong giáo dục, người lớn chúng ta rất hay chê bai học trò. Chê theo kiểu miệt thị, quy chụp, thậm chí là xúc phạm trẻ. Những từ như ngu, dốt, kém, ngơ, chả làm được tích sự gì, hư… là từ ngữ khá quen thuộc người lớn “úp” lên con trẻ. Nó chỉ làm tổn thương các em, làm trẻ mất tự tin chứ không hề có tác dụng trong việc giúp các em thấy bản thân mình chưa tốt điểm nào. 

Cũng không quá khó hiểu, khi nhiều người còn nặng quan điểm muốn ai đó tốt, tiến bộ thì phải chê. Chưa kể, đâu đó trong tâm thức người lớn, việc chê trẻ còn thể hiện quyền “tối thượng”, “bề trên” của người thầy, người cha, người mẹ. Nhiều thầy cô chưa chấp nhận rằng, giáo dục không cần phải chê và tuyệt đối không nên chê - nhất là với trẻ em.

TS Nguyễn Hữu Hợp (ĐH Sư phạm Hà Nội) bày tỏ, ai cũng có lòng tự trọng, ít ai thích được chê. Trong giáo dục, nên chỉ cụ thể cho HS lỗi để sửa, khắc phục và tiến bộ mà không nên chê "dốt", "kém", "lơ ngơ"...

Một số cách nhận xét của GV dễ làm HS mất hứng thú học tập như “Bài làm kém”, “Mỗi công thức mà không thuộc”, “Cô biết mà, em học rất kém”, “Cô biết em cố cũng vậy, không tiến bộ”… mang tính chê bai, miệt thị mà không chỉ ra lỗi rõ ràng cho các em.

GV không nên chê HS mà cần chỉ ra lỗi cụ thể của các em và giúp trẻ khắc phục. Đồng thời khuyến khích, động viên, khen ngợi các em để các em có hứng thú học tập. Trong mọi trường hợp, TS Nguyễn Hữu Hợp nhấn mạnh, người thầy cần yêu thương, tôn trọng, tin tưởng, đối xử thân thiện với học trò.

Trước băn khoăn “không được chê học trò” của một số GV khi đánh giá bằng nhận xét, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng bày tỏ, đối với trẻ nhỏ, thầy cô đừng tiết kiệm lời khen, động viên các em. Các em chỉ cần có một chút tiết bộ, đã có thể khen ngợi ngay. Điều gì các em chưa làm được thì cần chỉ ra lỗi một cách cụ thể chứ không cần phải chê bai.

Theo ông Hiếu, một khi GV đã cố gắng hợp tác cùng gia đình, hỗ trợ nhiều cách mà các em không thể tiến bộ thì phải ở lại lớp, không để các em phải “ngồi nhầm lớp”. Thông tư 30 tạo tâm lý nhẹ nhàng cho HS phải song song với việc đảm bảo chất lượng.

Giáo dục là để khích lệ học trò phát huy khả năng của mình một cách tối đa nhưng “không được chê” lại trở thành điều “tiếc nuối” của nhiều nhà giáo là điều rất đáng suy ngẫm. Lời khen đúng, chỉ lỗi đúng - chuyện tưởng nhỏ hoàn toàn có thể góp phần tác động, thay đổi tư duy giáo dục còn nặng tính hù dọa, chê bai tồn tại lâu nay của chúng ta.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.