Giáo viên sẽ có mức lương mới cao hơn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ khai giảng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sáng 23/10. Ảnh: Như Ý
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ khai giảng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sáng 23/10. Ảnh: Như Ý
TP - Nhiều vấn đề cơ bản  của ngành sư phạm, trong đó có những băn khoăn về mức lương, được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời thẳng thắn trong buổi giao lưu với sinh viên, ngày 23/10, sau lễ khai giảng lần thứ 70 của Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội.

Không “xóa sổ”các trường cao đẳng sư phạm

“Hãy là người dẫn đầu” là nội dung buổi giao lưu giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. “Đội của tôi đi rất hùng hậu nên các bạn sinh viên có thể hỏi 5 câu hỏi một lần”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin. Buổi giao lưu  diễn ra trong không khí thân mật, cởi mở.

Sinh viên năm thứ 4, ngành Hóa của trường, Ngô Hoàng Lân đặt ra băn khoăn về sự thiếu thốn cơ sở vật chất của trường khi sinh viên muốn được thử sức mình với những thí nghiệm mới.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hiện nay là 20% nhưng trong số này, 90% dùng để trả lương cho các nhà giáo, 10% chi cho phát triển. Bộ và các trường đều phải tìm các nguồn xã hội hóa, xây dựng hệ sinh thái với các doanh nghiệp để hỗ trợ các  trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ: “Có kinh phí, có cơ sở vật chất, có máy móc mà làm được như các nước cũng là giỏi, nhưng chỉ là giỏi vừa.  Còn nghèo nhưng vẫn làm được như nước lớn mới thực sự là giỏi.

Giảng viên Dương Minh Long, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ của trường ĐH Sư phạm Hà Nội đặt lại vấn đề quy hoạch đối với trường sư phạm.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT đã triển khai hai đề  án: rà soát các cơ sở giáo dục ĐH, rà soát  mạng lưới các trường sư phạm. Quan điểm của Bộ nhất quán là mạng lưới các trường sư phạm đào tạo bồi dưỡng giáo viên phải đầy đủ từ cao đẳng đến đại học. Việc quy hoạch, rà soát sẽ  theo các hướng: các địa phương đang có trường cao đẳng sư phạm hoạt động tốt  thì mở rộng tăng cường cho các trường phát huy như hình thành trường phổ thông liên cấp để bồi dưỡng, đào tạo giáo viên; sáp nhập các trường CĐ địa phương nhưng bộ phận sư phạm vẫn phải duy trì để bồi dưỡng trên địa bàn; sáp nhập vào các trường ĐH đa ngành nhưng có khoa sư phạm.

Bộ GD&ĐT cũng định hướng nội dung đào tạo sẽ tập trung ở nhóm các trường ĐH sư phạm nòng cốt, cụ thể có 8 cơ sở  được Bộ GD&ĐT chọn và đầu tư. Đây là những trường có vai trò đầu tàu trong nghiên cứu chương trình giáo dục, xây dựng chương trình bồi dưỡng và có trách nhiệm nòng cốt  phối hợp với các trường cao đẳng bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên. Trong đó 2 ĐH sư phạm ở hai đầu đất nước (ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM) sẽ sớm trở thành hai trường ĐH trọng điểm.

Lương mới tạo động lực, không cào bằng

Tại buổi giao lưu, một vấn đề được các tân giáo viên quan tâm là lương nhà giáo sắp tới sẽ được thay đổi như thế nào. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025".

Đề án này rà soát căn bản các vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo, trong đó có chế độ đãi ngộ. Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với các bộ/ngành liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành Giáo dục, với tinh thần đổi mới, công bằng, tạo được động lực, tránh bình quân cào bằng.

Cũng theo Bộ trưởng GD&ĐT, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường bắt đầu từ năm học này. Đây cũng là cố gắng của Chính phủ trong điều kiện hiện nay.

Chia sẻ về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không có quyền quyết định về lương, việc đổi mới chính sách tiền lương phải trên cơ sở cân đối, tính toán kỹ lưỡng. “Thông tin về chính sách lương mới chưa được công khai, nhưng lương mới sẽ có khởi điểm cao hơn và dự kiến giáo viên mới ra trường có mức lương làm tròn khoảng 6 triệu đồng. Nhưng muốn cải cách tiền lương, nhất định chúng ta phải tăng trưởng, phát triển”, Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp, có kế hoạch đầu tư hệ thống các trường sư phạm trong cả nước; tập trung đầu tư cho các trường sư phạm trọng điểm như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đủ điều kiện, đủ năng lực để hoàn thành vai trò nòng cốt của nòng cốt trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.   

MỚI - NÓNG