Giáo viên rơi nước mắt chung niềm vui được đón trẻ tới trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau một năm đóng cửa, Hà Nội cho phép các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động từ ngày 13/4. Đồ chơi hư hỏng, giáo viên bỏ việc,… khiến nhiều cơ sở thực sự trong tình trạng “khóc dở mếu dở” khi mở cửa trở lại.

Giáo viên bỏ việc hàng loạt, nhà trường khốn đốn

Theo nhiều chủ trường tư thục ở Hà Nội, họ đang “đỏ mắt” tìm cách thu hút giáo viên mầm non ngay sau thông báo cho trẻ mầm non đi học lại vào ngày mai (13/4).

Để đón trẻ đi học trở lại vào ngày mai 13/4, trường Mầm non tư thục ở đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) thông báo cho toàn bộ giáo viên đến dọn vệ sinh trường, lớp học từ hai hôm trước.

Trường mầm non của chị có tất cả 3 cơ sở tại các quận khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do dịch bệnh, cơ sở nào cũng rơi rụng ít nhất 50% giáo viên.

Hiệu trưởng nhà trường này cho biết, khó khăn lớn nhất lại là thiếu trầm trọng giáo viên, giáo viên sau gần một năm đóng cửa đã vơi đi một nửa do nghỉ việc đã lâu, do không có nguồn thu nên họ bỏ về quê không quay lại hoặc đi tìm việc khác.

“Trước mắt, trường mở cửa hoạt động và khắc phục khó khăn sau. Lượng giáo viên thiếu hụt một nửa sẽ tuyển dần dần”- vị chủ trường này nói.

Cô Nguyễn Ngọc Anh, giáo viên Mầm non ở một trường tư thục ở Linh Đàm, Hà Nội cho biết, mấy ngày trước khi được chủ trường thông báo sẽ được đi làm trở lại, cô hạnh phúc như thấy mình như sắp được dự lễ khai giảng năm học mới vì sẽ gặp lại trẻ sau 11 tháng nghỉ việc.

Cô Ngọc Anh cho biết, cô và đồng nghiệp tất bật trong hai ngày đợt nghỉ lễ giỗ Tổ để đến trường dọn dẹp cho ngày đón trẻ mầm non đến trường sắp tới.

Giáo viên này cho biết, cô là một trong hai giáo viên của trường bám trụ lại với nghề còn lại 8 giáo viên khác đã bỏ nghề, đi làm công việc khác, người thì đi về quê không quay lại dạy nữa. Lớp do cô phụ trách là những bé 3 tuổi, gồm gần 20 trẻ.

Cũng theo cô Ngọc Anh, trong 11 tháng nghỉ dạy, cô được nhà trường hỗ trợ 700 nghìn đồng/ tháng: “Dù ít ỏi nhưng tôi hiểu chủ trường đã cố gắng rất nhiều để giữ chân giáo viên. Thôi thì ít còn hơn không.”- giáo viên này cho biết.

Giáo viên này nói, trong thời gian 11 tháng nghỉ việc, cô tìm đủ nghề để kiếm sống như bán đồ ăn, đồ gia dụng: “Nếu không buôn bán hoặc làm gì thì không biết gì để sống qua giai đoạn dịch. Rất may giờ học sinh đã trở lại trường, giáo viên có lương để sống”- cô Ngọc Anh chia sẻ.

Quê ở ngoại thành Hà Nội, cô Nguyễn Thị Ngân dạy học tại một trường ở nội thành sau khi tốt nghiệp trung cấp Giáo dục mầm non. Với mức lương hàng tháng 5,5-6 triệu đồng, dù lương thấp nhưng cô vẫn cố bám trụ với nghề.

COVID-19 bùng phát, trường đóng cửa từ tháng tư năm ngoái đến nay. Nhà trường có hỗ trợ 3 tháng đầu sau khi nghỉ, còn 8 tháng sau thì các cô phải tự bươn chải kiếm sống. Những tháng đầu, cô Ngân dùng tiền tiết kiệm trang trải cuộc sống. Sau đó, thành phố nới lỏng giãn cách, cô giáo trẻ xin làm đủ nghề từ gói kẹo, phụ chồng làm nghề may. Sau vài tháng, nhiều phụ huynh ở gần nhà nhờ trông con giúp, cô nhận trông 5-6 cháu để có tiền chi tiêu cho qua ngày.

Cô Ngân chia sẻ, có lúc cô tự nhủ, hay là mình bỏ nghề vì không biết khi nào mới hết dịch. Nhưng tình yêu trẻ thôi thúc cô quyết tâm làm đủ mọi thứ, miễn là kiếm ra tiền đủ sống qua ngày, chờ trường mở cửa.

"Giáo viên mầm non đúng là lương thấp, vất vả nhưng với chúng tôi được chăm trẻ đó là hạnh phúc. Chỉ giáo viên nào thực sự yêu trẻ mới đủ vượt qua khó khăn để trụ lại với nghề", cô giáo này chia sẻ.

Cô Hương Sen quê ở Hòa Bình, Hà Nội đã có thâm niên gần 10 năm gắn bó tại một trường tư thục ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, cô đã không đủ kiên nhẫn để chờ đợi ngày học sinh trở lại trường.

Cô Sen kể, cách đây vài tháng, bức bách vì công việc, cô đành thử sức ở một công việc mới: “Nếu thành công, có thu nhập ổn định tôi sẽ không quay về làm giáo viên mầm non nữa. Gần 11 tháng không có lương nên nhiều giáo viên trường tôi đã bỏ việc gần hết”- cô Sen chia sẻ.

Giáo viên sẵn sàng đón... học sinh khóc

Nhận được tin nhắn thông báo đi làm trở lại từ chủ trường trong kỳ nghỉ giỗ Tổ, cô Ngọc Anh "vừa vui, vừa hồi hộp": vui vì được trở lại công việc yêu thích, gặp lại đám trẻ; hồi hộp bởi không biết học trò sau nhiều tháng ở nhà thay đổi ra sao, đến trường sẽ thay đổi tâm tính thế nào.

Theo cô Ngọc Anh, cô giữ trẻ 3 tuổi nên việc trẻ cả gần 1 năm chưa quay lại trường thì chắc chắn sẽ nhiều tình huống xảy ra.

"Ngày mai, khi trở lại công việc, chúng tôi phải gác hết những lo lắng, tập trung cao độ trông giữ, chăm trẻ. Thực sự đến giờ phút này, tôi đã chuẩn bị hết các kịch bản đón học sinh khóc khi quay lại trường, thậm chí đập phá, bất hợp tác với cô", cô Ngọc Anh nói.

Cô Nguyễn Ngân, giáo viên mầm non ở một trường tư thục ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội nói, suốt mười một tháng qua, cô đã nhiều lần khóc vì tủi cực vì đại dịch không có lương.

Tuy nhiên, mấy hôm nay, nhiều giáo viên trường mầm non tư thục chung niềm vui khi được quay trở lại trường. Ngoài hạnh phúc được trở lại với học sinh, họ an tâm vì lại có công việc, thu nhập sau thời gian dài mất việc.

Cô Ngân chia sẻ, việc dọn dẹp trường lớp đến thời điểm này đã xong, ngày mai, các cô chỉ cần nhấc đồ chơi lên kệ nữa là xong: “Chắc mai thứ 4 phải quay lại video xem các con khóc thế nào để mai kia lớn cho xem lại. Mai có lẽ là đinh tai nhức óc với tiếng khóc của trẻ, nhưng đó là một ngày hạnh phúc ngọt ngào”- cô Ngân nói.

MỚI - NÓNG