Từ thiếu trầm trọng nhân viên y tế học đường...
Theo Thông tư 35 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 23/8/2006, về hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, các trường tiểu học hạng 1, phải có 1 y tế học đường, các trường tiểu học hạng 2, 3 phải có 1 y tế học đường kiêm nhiệm thủ quỹ; các trường THCS phải có 1 y tế học đường; các trường THPT cũng phải có 1 y tế học đường. Tuy nhiên tại các trường huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, nhân viên y tế học đường hiện đang thiếu trầm trọng.
Theo thống kê Tổng hợp mạng lưới trường lớp, nhu cầu biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2014-2015 của huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam, cho thấy, biên chế định mức yêu cầu bắt buộc 23 nhân viên y tế, tức 1 nhân viên/trường. Tuy nhiên, toàn huyện Nam Giang vẫn chưa có một nhân viên biên chế y tế học đường nào.
Phó Phòng Giáo dục huyện Nam Giang, ông Đinh Hữu Phước, cho biết: "Toàn Nam Giang có 23 trường và 1 trường giáo dục thường xuyên, và tất cả các trường đều chưa có nhân viên y tế học đường biên chế. Do vậy, Phòng Giáo dục đã tiếp nhận 4 nhân viên y tế học đường theo diện hợp đồng".
Giải thích nguyên nhân thiếu trầm trọng nhân viên y tế học đường, ông Phước cho biết: "Năm học này, tỉnh giao biên chế ít quá, chỉ vừa đủ cho công tác giảng dạy, buộc các giáo viên phải hỗ trợ, kiêm nhiệm thêm những chức năng khác. Riêng y tế học đường, nếu có học sinh ốm đau, các trường phải nhờ trạm y tế xã".
Việc thiếu nhân viên y tế học đường tại các trường học đã gây ra nhiều khó khăn nhất là các học sinh học tại vùng cao, biên giới. Ông Phước dẫn chứng: "Rất nhiều trường cách xa trạm y tế, như Trường Tiểu học La Ê - Chơ Chun, cách trạm y tế xã Chơ Chun gần 20km, đường xá khó khăn, chỉ có thể đi bộ, cho nên học sinh trường ốm đau chỉ có thể nhờ sự hỗ trợ từ các giáo viên không chuyên".
Tại Trường PTDT THCS Đắc Pring - Đắc Pree, nhân viên y tế học đường hiện vẫn không có, thầy Zơ Râm Dấu - Tổng phụ trách đội, bí thư chi đoàn, cho biết: "Vì không có nhân viên y tế, nên các giáo viên phải kiêm nhiệm cả, hầu hết các giáo viên trong trường đều có trang bị tủ thuốc y tế. Học sinh nào bị đau bụng, hay sốt thì giáo viên lấy thuốc cho uống. Còn trạm y tế thì cách trường khoảng 3km, tuy nhiên đường xá mùa mưa rất khó đi lại".
Còn tại trường PTDT THCS Liên xã Cà Dy - Tà Bhing, cô Vương Thị Ánh - Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: "Trường có 1 nhân viên y tế hợp đồng, tuy nhiên cô nhân viên y tế này phải chia buổi để chạy thêm một trường mầm non nữa".
Thực tế, không chỉ có nhân viên y tế, mà còn nhân viên cấp dưỡng tại các trường có học sinh nội trú vẫn còn thiếu.
Khác với các huyện miền núi, tại xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam. Trưởng phòng GD-ĐT TP Hội An, ông Nguyễn Văn Dung cho biết: "Hiện xã đảo Tân Hiệp, có 3 trường, Trường mầm non Tân Hiệp, Trường Tiểu học Tân Hiệp, Trường THCS Quang Trung, hầu hết các trường đều có hợp đồng với trạm y tế xã Tân Hiệp, do vậy, các em học sinh được hưởng đầy đủ các nhu cầu về y tế trường học".
Giáo viên kiêm nhiệm nhiều môn cho đủ… 19 tiết/tuần
Khi phương pháp dạy tích hợp còn “nhọc nhằn” đi vào thực tiễn, thì các trường vẫn đang dạy theo phương pháp cũ, một giáo viên kiêm nhiệm nhiều môn từ chuyên cho đến không chuyên để đủ tiết, nhất là đối với giáo viên miền núi và hải đảo.
Ông Đinh Hữu Phước cho biết: "Về cơ sở hạ tầng thì không thiếu, thậm chí có nhiều trường rất đầy đủ. Nhưng cái khó là để giáo viên dạy đúng chuyên môn thì không khắc phục được, nếu muốn vậy phải mở lớp, nhưng mở lớp phải đủ số học sinh/lớp theo quy định". Trong khi số lượng học sinh khu vực miền núi ít, thậm chí giáo viên phải ra sức vận động học sinh đến trường. Cho nên một giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều môn.
Ông Phước cũng thông tin thêm: "Chẳng hạn, trường THCS thì có 4 lớp, nếu một giáo viên dạy môn Vật lý, thì theo phân thức chia tiết, giáo viên dạy lớp 9 là 2 tiết, lớp 8 là 2 tiết, lớp 7 là 1 tiết thì không đủ 19 tiết/tuần. Thậm chí, nếu giáo viên có "chạy" cho 3 trường THCS cũng chỉ đạt khoảng 17 tiết/tuần". Và ông cũng nhận định rằng, hiện nay hầu hết các cấp học đều phải kiêm nhiệm.
Khi giáo viên "chạy" cho đủ tiết thì biên chế sự nghiệp giáo dục lại thiếu. Theo thống kê phòng giáo dục huyện Nam Giang, năm 2014, UBND huyện giao 473 biên chế sự nghiệp giáo dục, nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ có 399 biên chế, còn thiếu 74 biên chế.
Trong khi đó, tại xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, theo số liệu tại các trường, lớp, học sinh tháng 11/2014 các trường Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, thì tại Trường THCS Quang Trung, có 4 lớp, nhưng có đến 12 giáo viên biên chế và 1 thỉnh giảng. Theo Thông tư 35 thì cấp THCS mỗi lớp bố trí biên chế không quá 1,90 giáo viên, tuy nhiên tại xã đảo, các giáo viên đều vượt mức 3,00 giáo viên/lớp, tức là vượt gấp đôi so với quy định.
Số liệu thống kê cho thấy: Lớp 6 chỉ có 21 học sinh; lớp 7 có 23 học sinh; lớp 8 có 22 học sinh; lớp 9 có 24 học sinh, các giáo viên muốn dạy đủ 19 tiết/tuần phải kiêm thêm nhiều môn khác. Chẳng hạn, giáo viên Trường THCS Quang Trung dạy môn Hóa, phải dạy thêm môn Sinh, Công nghệ, kiêm cả chủ nhiệm lớp thì mới đủ tiết. Và như vậy, việc bố trí biên chế các giáo viên đều vượt mức 3,00 giáo viên/lớp.
Ông Nguyễn Văn Dung cho biết: "Hiện tại, Phòng Giáo dục mới bổ nhiệm thêm 1 giáo viên tin học cho xã đảo, trước đó, giáo viên dạy toán phải dạy thêm tin học".
Theo đó, Trường THCS Quang Trung có 4 lớp, thì giáo viên Tin học chỉ dạy có 4 tiết/tuần, như vậy phải kiêm nhiệm nhiều việc khác trong trường để đủ tiêu chuẩn.
Thậm chí, cả Phòng Giáo dục thành phố và giáo viên xã đảo chỉ mong cho học sinh trụ tại với xã, để thầy có trò, trường có lớp.
Giáo viên phải "chạy" đủ tiết, Phòng Giáo dục thiếu biên chế, còn sinh viên ra trường lại…thất nghiệp. Điều mà các giáo viên, Phòng Giáo dục mong chờ chính là dạy đúng chuyên môn hướng đến phương pháp mới, tích hợp.
Theo Nguyễn Trang