Giáo viên cắm bản: Huồi Pủng, xa mà gần

0:00 / 0:00
0:00
Dân bản yên tâm hơn khi có các cô giáo mầm non
Dân bản yên tâm hơn khi có các cô giáo mầm non
TP - Ðiểm trường nơi các cô dạy không điện, không sóng điện thoại, bốn bề núi rừng bủa vây. Những đứa trẻ nơi đây chỉ thích lên nương lên rẫy, đến 14, 15 tuổi nhiều em đã lấy vợ, lấy chồng…

Bản “ba không”

Thuyền cập bến khi mặt trời dần khuất bên kia rừng. Từ đây, mất hơn một giờ đi bộ theo con đường mòn cheo leo nơi sườn núi, tôi mới vào được Huồi Pủng (xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương), nơi có 100% đồng bào dân tộc Khơ Mú, nơi không điện, không đường bê tông, không sóng điện thoại. Hầu hết những đứa trẻ ít nghĩ đến việc học cái chữ, chỉ muốn lên nương lên rẫy kiếm ngô, sắn, lớn hơn chút thì lấy vợ lấy chồng rồi sinh con.Trưởng bản Lữ Văn Núi dẫn chúng tôi tới điểm trường duy nhất còn lại ở bản.Càng vào sâu, đường càng khó đi. Trường mầm non của Huồi Pủng hiện ra dưới chân một con dốc.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên ở điểm trường bất ngờ và bối rối khi có khách lạ. Ba năm lên vùng cao cắm bản và đây là năm đầu tiên, cô bám điểm trường Huồi Pủng, nơi có 24 trẻ theo học. “Buồn chứ, ban ngày có đám trẻ còn vui. Đêm, khi các em đã về nhà, buồn lắm”, cô giáo 31 tuổi nói. Sau hơn 2 năm công tác tại trường Mầm non Yên Tĩnh, cô Hằng chuyển lên dạy tại điểm trường Huổi Pủng. Nhớ về ngày đầu băng rừng, lội suối vào bản, cô Hằng thật thà: “Để vào đến Huồi Pủng, từ trung tâm xã, chúng tôi phải đi thuyền mất 25 phút, đi bộ thêm 5km đường rừng nữa mới tới nơi. Mùa nắng ráo, mất hơn một giờ đi bộ, còn mùa mưa quãng đường như xa hơn, có khi phải cả nửa ngày mới vào được tới bản. Ở đây chưa có điện lưới, nước thì lấy từ suối lên. Ngay khi đến điểm trường, công việc đầu tiên của các cô là bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh lớp học”.

Khi đến nhận công tác tại vùng cao, cô giáo mầm non luôn xác định tâm thế sẵn sàng cống hiến, chấp nhận những thiệt thòi, vất vả. Trường gần trung tâm còn đỡ, những điểm ở xa khó khăn như nhân lên gấp bội. Những ngày mưa gió phải chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho cả tuần, bữa ăn tươi thì ít mà đồ khô luôn phải đầy đủ. “Công việc không giống như trong tưởng tượng của tôi. Điều kiện ở đây còn rất nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại. Việc bất đồng về ngôn ngữ cũng gây nhiều trở ngại, nhiều khi cô nói trẻ không hiểu mà trẻ nói cô cũng không hiểu. Mặc dù rất yêu trẻ nhưng đôi lúc tôi cũng thấy nản lòng. Nghĩ đến hình ảnh các em nhỏ nơi thâm sơn này, tôi có thêm động lực cố gắng vượt khó”, cô Hằng tâm sự.

Sẵn sàng chấp nhận những vất vả, hy sinh hạnh phúc bản thân để làm tốt công việc gieo chữ nơi rẻo cao, nỗ lực của các giáo viên cắm bản trong nhiều năm qua đã góp phần từng bước gây dựng, phát triển sự nghiệp trồng người.

Nhà ở thị trấn Thạch Giám (huyện Tương Dương), có khi phải cả tháng cô Hằng mới về thăm chồng con được một lần, và lần nào cũng gấp gáp. “Mỗi ngày chỉ có một chuyến thuyền chạy vào lúc 11 giờ trưa nên mặc dù được nghỉ từ chiều thứ 6 nhưng phải đợi trưa thứ 7 mới ra được bến. Về đến nhà cũng vừa chiều tối, ở với chồng con được một đêm, sáng chủ nhật lại lóc cóc xách đồ đi cho kịp thuyền chạy”, cô Hằng tâm sự.Một cơn gió lùa qua khe hở của những tấm liếp vào phòng, mát rượi. Cô Hằng nói, các cô vất vả đã đành, dân nghèo, nhìn học sinh mà thấy thương. Mùa đông, trên này lạnh lắm nhưng hầu hết chúng vẫn manh áo mỏng. Ăn uống kham khổ, lâu lâu mới có một bữa cơm có thịt. Thương, cô phải nấu thêm nồi canh rau, gói mì để các em dễ nuốt.

Có cô giáo, dân bản yên tâm

Đồng nghiệp của cô Hằng là Lương Thị Nhi (SN 1996). Cô Nhi là người xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, vừa chuyển lên giảng dạy tại trường Mầm non Huồi Pủng. Với vai trò là một người vợ, người mẹ và người con, cô tâm sự cần lắm sự chia sẻ, động viên của gia đình để vượt qua khó khăn khi xa nhà. Ban ngày lên lớp, niềm vui từ những đứa trẻ đã khích lệ cô nỗ lực cố gắng nhưng khi đêm xuống thì nỗi nhớ con, nhớ quê lại ùa về. Trời sẩm tối, Lương Thị Nhi vào bếp, bắc nồi nước, nhen lửa. Cô bảo, có hai chị em, cứ mì tôm cho tiện. “Khi mới đến, người dân trong bản bảo ở đây gần nghĩa địa, ma nhiều. Ban đầu cũng sợ nhưng giờ quen rồi, chẳng sợ nữa”, cô kể. Đêm Huồi Pủng, núi rừng tĩnh mịch. Trở mình, tiếng nan giường va vào nhau kêu ken két. Nhiều năm cắm bản lẻ, cô đã quen với cuộc sống mù thông tin. Nhưng, đó chưa phải là nỗi buồn nhất. Cô giáo trẻ nói, lo buồn nhất là khi không ít người dân nơi đây chưa quan tâm đến con chữ. Mùa làm rẫy, nhiều phụ huynh mang theo con, ở luôn trong đó, các cô lại mất nhiều ngày lặn lội vào rừng tìm, đưa trò về trường.“Là giáo viên, emluôn nghĩ mình dạy và chăm học trò như chăm con mình ở nhà. Các cháu tuy bé và hồn nhiên, nghịch ngợm như thế nhưng rất hiểu và biết tình cảm của các cô giáo dành cho mình”, cô Nhi bộc bạch.

Giáo viên cắm bản: Huồi Pủng, xa mà gần ảnh 1
Những em nhỏ ở bản Huồi Pủng

Huồi Pủng vốn thuộc xã Hữu Dương. Năm 2009, khi xã này xóa sổ vì phải di dân để thủy điện Bản Vẽ tích nước, Huồi Pủng không bị ngập nên dân ở lại và sáp nhập về xã Hữu Khuông. Bản có 62 hộ dân đều là hộ nghèo. Điện thắp sáng, điện thoại, ti vi là giấc mơ xa vời. Ngoài phát rẫy, tỉa ngô trồng lúa và chăn nuôi được ít bò, người dân ở đây chẳng biết làm gì thêm. Anh Moong Văn Sơn (trú tại bản Huồi Pủng) cho biết, các cô giáo mầm non đến dạy tại bản đã giúp gia đình và người dân ở đây yên tâm gửi các con để đi làm. Đến lớp, các con được học nhiều điều hay, lẽ phải, được các cô chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân nên dân bản rất yên tâm gửi con cho các cô.

Bóng đêm phủ xuống, đại ngàn tối sẫm. Vài ánh đèn leo lét hắt ra từ những ngôi nhà sàn của người Khơ Mú nằm cheo leo bên sườn núi. Mưa rả rích. Trước khi chia tay, tôi hỏi trưởng bản Núi và hai cô giáo duy nhất ở bản, nếu có một điều ước, mọi người ước gì? “Ước có đường chạy được xe máy ra trụ sở xã, có điện thắp sáng và sóng điện thoại”, trưởng bản Núi nói. Còn cô Hằng, cô Nhi chỉ mong em nào cũng có áo ấm, chăn ấm trong mùa Đông tới…

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.