Giáo sư Lê Ngọc Trà: Một đời lan tỏa cái đẹp

Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thăm hỏi tặng quà giáo sư Lê Ngọc Trà đầu năm 2020. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thăm hỏi tặng quà giáo sư Lê Ngọc Trà đầu năm 2020. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
TP - Khi gặp phóng viên Tiền Phong, giáo sư Lê Ngọc Trà bắt đầu câu chuyện về tình yêu văn học xuất phát từ sự cô đơn. Ông nói: “Tôi quê ở Quảng Ngãi, làng ngoại là làng Mỹ Khê nơi xảy ra vụ thảm sát nổi tiếng. Những hy sinh mất mát trong chiến tranh để lại dấu ấn trong tâm hồn tôi. Tôi đi tập kết lúc 9 tuổi và chính những cuốn sách đọc ở miền Bắc là chỗ dựa tinh thần cho tôi”.

Sách là bầu bạn

Giáo sư lớn lên trong cảnh xa quê hương, xa gia đình và sách là người bạn thân thiết nhất: “Bố tôi cùng đi tập kết nhưng theo đường riêng, tôi đi đường riêng. Tôi học các trường dành cho trẻ em miền Nam. Tuổi thơ của tôi không giống như những đứa trẻ khác, thiếu đi tình cảm gia đình. Tôi chỉ có những người bạn học ở trong trường và những cuốn sách. Tôi đọc rất nhiều sách văn chương”.

Lê Ngọc Trà là học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, với giải Ba (không có giải nhất). Lê Ngọc Trà nằm trong danh sách đi học ở Đông Âu từ khá sớm, nhưng đúng thời điểm Đông Âu rộ lên chủ nghĩa xét lại, nên những người đăng ký đi học văn không được cử đi. Lê Ngọc Trà đành đăng ký học về điện tử.

Ông kể: “Sau khi suýt theo ngành điện tử, tôi bắt đầu suy nghĩ về con đường mà cuộc đời mình sẽ chọn thật sự là gì? Cuối cùng tôi hiểu tôi đi theo con đường văn học bởi vì văn học giúp con người ta, nhất là thế hệ trẻ sống có lý tưởng, hoài bão”.

Mãi gần chục năm sau, năm 1975, khi đang là giảng viên, Lê Ngọc Trà mới chính thức được đi học ở Đông Âu. “Tôi thuộc vào khóa sinh viên thứ hai được cử đi Liên Xô học về văn chương vào thời điểm ấy” - Giáo sư thổ lộ.

Giáo sư Lê Ngọc Trà: Một đời lan tỏa cái đẹp ảnh 1

Bìa 1 cuốn sách của GS Lê Ngọc Trà

Học rồi… để làm gì?

Lê Ngọc Trà rất yêu thích văn học nhưng cũng có năng khiếu âm nhạc, hội họa. Có lần ông đã viết thư cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, đồng thời gửi cho ông bản nhạc mình vừa sáng tác. Thật bất ngờ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết thư hồi âm và khuyên Lê Ngọc Trà đi theo con đường âm nhạc.“Tôi sẽ giúp em”- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết cho Lê Ngọc Trà.  Cuối cùng, trăn trở giữa việc trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng trên sân khấu với một giảng viên văn chương thầm lặng, Lê Ngọc Trà đã chọn nghiệp giảng dạy văn chương.

Khi học Đại học Tổng hợp Mátxcơva mang tên Lômônôxốp- Lê Ngọc Trà  được Giáo sư G. N. Pôxpêlốp - một trí thức Nga- người sáng lập bộ môn Lý luận văn học của trường Lômônôxốp - trực tiếp hướng dẫn phó tiến sĩ và tiến sĩ. Giáo sư Lê Ngọc Trà nói: “Thầy tôi là một trí thức thuộc thế hệ cũ trước cách mạng. Ông là người khéo léo trong hành xử nhưng cũng rất quyết liệt trong khoa học. Có lần, một nghiên cứu sinh đeo đầy huân huy chương đến bảo vệ luận án, nhưng thầy tôi vẫn đánh trượt vì chất lượng công trình không đạt yêu cầu!”.

Lúc chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ. Giáo sư G. N. Pôxpêlốp hỏi người học trò của mình: “Anh Trà học tiến sĩ xong, về nước làm việc gì?”.

Người học trò Việt Nam nói: “Rất nhiều người sau khi học ở Liên Xô về sẽ giữ các vị trí lãnh đạo ngành ạ. Với em, vừa rồi cũng có người sang đây nói rằng em học xong sẽ bố trí làm một vị trí lãnh đạo nào đấy cho xứng đáng”. Giáo sư G. N. Pôxpêlốp hỏi lại: “Anh nghĩ đến chuyện làm quan chức ư? Vậy  anh đi sang đây học tôi 7 năm về công tác nghiên cứu để làm gì chứ?”.

Giáo sư Lê Ngọc Trà nói với phóng viên: “Những lời thầy người Nga thấm vào tim tôi. Tôi hiểu rằng 7 năm miệt mài chữ nghĩa của tôi là để nghiên cứu, giảng dạy, truyền lại kiến thức cho các em sinh viên chứ không vì mục đích nào khác.Từ lời căn dặn của thầy nên cả đời tôi gắn với giảng đường đại học, đào tạo ra hàng chục ngàn sinh viên”.

Gặp gỡ Nguyễn Minh Châu

Công việc cả đời giảng dạy văn học, không rời khỏi giảng đường nhà trường là những năm tháng rất dài, đôi khi thầm lặng và có cả sự cô đơn. Niềm vui với người giảng dạy nghiên cứu văn học đó là làm bạn với các nhà văn.

Khi Nguyễn Minh Châu nằm trên giường bệnh, sống những ngày cuối đời, tiến sĩ Lê Ngọc Trà đã tới viện thăm Nguyễn Minh Châu. Cả hai nói chuyện với nhau tâm đầu ý hợp. Nguyễn Minh Châu nói: “Tôi viết văn đến nay 40 năm, gặp tiến sĩ, tôi càng thấm thía hơn câu, văn học chính là nỗi đau”.

Tiến sĩ Lê Ngọc Trà ấn tượng với tác phẩm của nhà văn Dostoyevsky: “Tôi chịu ảnh hưởng của Dostoyevsky. Đọc văn ông ấy, trong đau khổ lóe lên những tư tưởng”. 

“Văn học là nỗi đau - Tiến sĩ Lê Ngọc Trà nói - Văn học xuất phát từ nỗi đau, nỗi đau thật của người sáng tác chứ không phải nỗi đau vay mượn của người khác. Mình đau mà viết nỗi đau của chính mình. Nguyễn Minh Châu đau nỗi đau và mất mát của chính mình đã viết nên những tác phẩm rất hay. Tôi rất thích tác phẩm của Nguyễn Minh Châu”.

Trăn trở về giáo dục đại học

Tác phẩm đầu tiên của Lê Ngọc Trà được in năm 1984, viết chung với Lâm Vinh có tên “Đi tìm cái đẹp”. Vào thời điểm sắp sửa đổi mới ấy, “cái đẹp” vẫn còn là một khái niệm rất mới mẻ trong nghiên cứu văn học.

“Bằng nhạy cảm, tôi đã rất quan tâm đến cái đẹp trong văn chương và nghệ thuật”. Giáo sư nói. Các tác phẩm ông viết, tiêu biểu có: Đi tìm cái đẹp; Lý luận văn chương sơ giản; Lý luận và văn học. Những năm gần đây, Giáo sư Tiến sĩ Lê Ngọc Trà dành nhiều thời gian nghiên cứu về mỹ học, đạo đức học. Ông nói: “Mỹ học, đạo đức học là những ngành khoa học của tương lai”. Ông đã viết các cuốn:  Mỹ học đại cương; Phác thảo chiến lược xây dựng văn hóa Viện Nam; Thách thức của sáng tạo, thách thức của văn hóa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoàng nhận xét về công trình lý luận văn học của Lê Ngọc Trà như sau: “GS.TS Lê Ngọc Trà đã khuyến cáo “muốn cứu vãn văn học phải cứu lấy nhà văn, cứu không chỉ phần xác mà cả phần hồn, nhân cách của người cầm bút”.GS.TS Lê Ngọc Trà đặc biệt tâm huyết khi ông đề cập đến vấn đề con người trong văn học, sự cần thiết phải nhận thức trở lại mối quan hệ giữa văn học và con người”.

Là một người luôn tôn vinh cái đẹp trong văn chương, mỹ học, cái đẹp trong đạo đức… nhưng giáo sư Lê Ngọc Trà cũng quan tâm tới tính thực tế trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Giáo sư tiến sĩ Lê Ngọc Trà cho rằng: “Giáo dục, nhất là giáo dục đại học cần có tính thực tiễn, tránh lý thuyết xa vời”.

Giáo sư Lê Ngọc Trà sinh năm 1945 tại Tịnh Hòa, Tịnh Sơn, Quảng Ngãi. Những năm 1986-1988, ông làm luận án Tiến sĩ ở Liên Xô, nhận bằng Tiến sĩ Lý luận văn học năm 1988. Sau đó, chuyển vào TPHCM giảng dạy tại khoa Văn, Ðại học Sư phạm của thành phố, rồi đảm nhiệm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á -Thái Bình Dương. Ông đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 cho tập phê bình – tiểu luận đầu tay “Lý luận và văn học” . Ông được phong chức danh khoa học Phó Giáo sư (1991),Giáo sư (2002). Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2006).         

MỚI - NÓNG