Giao lưu trực tuyến: Thủ tục và quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Quỹ bảo hiểm y tế có đủ để bảo đảm quyền lợi của người tham gia, họ sẽ được hưởng những quyền gì và thủ tục tham gia BHYT như thế nào là những vấn đề sẽ được các chuyên gia giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chiều nay lúc 14h30.
Giao lưu y tế 19/12

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

19/12/2017 14:48

Mắc bệnh hiểm nghèo đột ngột, không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đã khiến rất nhiều gia đình bỗng chốc kiệt quệ. Mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm trường hợp như thế. Điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT đã được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.  Như vậy, khoản tiền người khám chữa bệnh không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa đã lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng..

19/12/2017 14:49

TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay một chiếc thẻ BHYT có mệnh giá là 702.000 đồng, nếu mua theo hộ gia đình thì từ người thứ 2, thứ 3 và người thứ 4 được giảm lần lượt theo thứ tự là 70%, 60% và 50%. Từ người thứ 5 trở đi, mức đóng bằng 40% của người thứ nhất.  Theo ông Sơn, tham gia BHYT là cách giúp cho người dân khi đi khám chữa bệnh giảm được chi phí, dù có thể cả năm không dùng đến nó.

Việc tham gia bảo hiểm mang tính chất nhân văn, phòng khi ốm đau để sử dụng, nếu may mắn không dùng đến thẻ BHYT thì cũng là cách giúp đỡ cộng đồng khi có người bệnh nặng. Lợi ích thiết thực nhất của BHYT là quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng, nhiều kỹ thuật cao được thanh toán, góp phần cứu sống ca bệnh phức tạp.

Tại Việt Nam, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện, diện bao phủ BHXH, BHYT tăng lên, nhất là tỷ lệ tham gia BHYT hiện đã đạt trên 85% dân số cả nước. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, để một chính sách đi vào cuộc sống và để tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT phát triển có tính bền vững hơn, ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, rất cần đến sự nhận thức và tinh thần chủ động thực hiện từ phía người dân.

Hiện số người tham gia BHYT là 79,73 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 85,3% dân số. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian gần đây chi phí khám chữa bệnh BHYT ngày càng gia tăng, dự báo năm 2017 quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) bội chi khoảng 10.000 tỷ đồng.

19/12/2017 14:50

Khách mời tham gia cuộc giao lưu trực tuyến gồm: Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) và ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

19/12/2017 14:54

Giao lưu trực tuyến: Thủ tục và quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT ảnh 1 Khách mời: Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) và ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

19/12/2017 14:54

 Cho tôi hỏi, tôi năm nay 56 tuổi muốn mua bảo hiểm tự nguyện cho một mình tôi. Lên phường hỏi thì họ đòi tôi phải trình thẻ BHYT của toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu. Tuy nhiên trong hộ khẩu nhà tôi không phải ai cũng có bảo hiểm. Vì vậy cho tôi hỏi với trường hợp của tôi liệu có được mua bảo hiểm tự nguyện hay không?

Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Từ 01/01/2015 tất cả các đối tượng quy định trong Luật bảo hiểm y tế đều bắt buộc phải tham gia BHYT, không có hình thức BHYT tự nguyện. Việc bác hỏi là tham gia BHYT theo hộ gia đình. Để mua BHYT hộ gia đình, bác chỉ cần đến Đại lý thu BHYT của xã, phường, thị trấn, kê khai theo mẫu và nộp tiền là được, không cần phải nộp thẻ BHYT của các thành viên khác trong hộ, cũng như các loại giấy tờ khác. Tuy nhiên, BHYT là chia sẻ rủi ro, nhiều người mua để hỗ trợ cho số ít người bị ốm đau, bệnh tật. Vì vậy, bác nên động viên cả hộ gia đình tham gia BHYT để bảo đảm chia sẻ rủi ro ngay trong hộ của bác.

19/12/2017 14:58

Giá dịch vụ y tế sử dụng máy xã hội hóa, có cao hơn giá của dịch vụ sử dụng máy mua từ ngân sách không, vì sao? 

Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Hiện nay, tại BV Bạch Mai giá dịch vụ y tế sử dụng máy xã hội hóa nói chung cao hơn giá của dịch vụ sử dụng máy mua từ ngân sách vì cơ cấu giá dịch vụ y tế xã hội hóa là tính đầy đủ chi phí còn cơ cấu giá của dịch vụ y tế do nhà nước quy định là chưa tính đủ chi phí.

19/12/2017 15:02

Giao lưu trực tuyến: Thủ tục và quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT ảnh 2 Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế).

19/12/2017 15:02

Loại dịch vụ nào thì không được BHYT chi trả?

Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế):

1. Các dịch vụ đã được ngân sách nhà nước chi trả.

2. Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.

3. Khám sức khỏe.

4. Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.

5. Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.

6. Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.

7. Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi.

8. Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

9. Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.

10. Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.

11. Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

12. Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

19/12/2017 15:05

Khi chuyển tuyến điều trị, ai sẽ là người chịu trách nhiệm quyết định chuyển tuyến cho người bệnh? Trong trường hợp bệnh nặng, người nhà và bệnh nhân mong muốn chuyển lên tuyến trên nhưng bệnh viện không chấp nhận thì giải quyết như thế nào?

 Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Khi chuyển tuyến điều trị, Giám đốc bệnh viện hoặc người được ủy quyền sẽ là người chịu trách nhiệm quyết định chuyển tuyến cho người bệnh.

Trong trường hợp bệnh nặng, người nhà và bệnh nhân mong muốn chuyển lên tuyến trên nhưng bệnh viện không chấp nhận thì giải quyết như sau:

1: Trường hợp bệnh viện đủ khả năng điều trị, thì người nhà hoặc bệnh nhân phải viết cam kết tự nguyện chuyển tuyến và bệnh viện ghi Giấy chuyển tuyến theo yêu cầu của người bệnh, người bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo mức hưởng trái tuyến

2: Trường hợp bệnh viện không đủ khả năng điều trị, nhưng nếu chuyển viện ngay thì có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh (Ví dụ như: Tai biến mạch máu não, Chấn thương sọ não….), nếu người nhà hoặc bệnh nhân vẫn muốn chuyển viện thì phải viết cam kết và Bệnh viện sẽ phải viết Giấy chuyển viện, hoặc gia đình tự chuyển viện thì người bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm y tế đúng tuyến.

3: Trường hợp bệnh viện không đủ khả năng điều trị, nhưng vẫn không chuyển thì người nhà hoặc bệnh nhân có thể khiếu nại lên cơ cấp trên quan quản lý bệnh viện đó (Sở Y tế, Y tế Bộ, ngành hoặc Bộ Y tế….) để được giải quyết.

19/12/2017 15:06

Chúng tôi có thẻ BHYT khám đúng tuyến ở bệnh viện T.Ư trên thành phố thì có phải nộp thêm tiền không?

Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Trường hợp có thẻ BHYT đi khám đúng tuyến ở bệnh viện trung ương vẫn phải nộp tiền cho những dịch vụ, thuốc…ngoài phạm vi chi trả của quỹ BHYT và phần cùng chi trả 20% hoặc 5% tùy thuộc vào đối tượng tham gia BHYT.

19/12/2017 15:08

Nếu bệnh nhân BHYT đăng ký giường bệnh theo yêu cầu, có được BHYT thanh toán không? Mức thanh toán được tính như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Tại Bệnh viện Bạch Mai, đối với bệnh nhân đăng ký sử dụng giường bệnh theo yêu cầu, thì vẫn được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán theo mức giá quy định của Bộ Y tế. Còn người bệnh phải trả giá chênh lệch giữa giá theo yêu cầu với giá theo quy định của Bộ Y tế.

19/12/2017 15:08

Xin cho biết, nếu đang điều trị ở bệnh viện tỉnh, trong trường hợp nào thì được chuyển lên bệnh viện lớn ở thành phố như Bạch Mai, Việt Đức?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế đang điều trị tại bệnh viện tỉnh, trong trường hợp vượt quá chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện tỉnh thì được chuyển lên điều trị ở các bệnh viện tuyến trên như Bạch Mai, Việt Đức.

19/12/2017 15:09

Giao lưu trực tuyến: Thủ tục và quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT ảnh 3 Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

19/12/2017 15:14

Điều chúng tôi băn khoăn nhất là tăng giá dịch vụ y tế dẫn đến bội chi, thâm hụt quỹ khiến tăng mức đóng BHYT. Xin chuyên gia cho biết về việc này?

 Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Hiện tại quỹ dự phòng BHYT đủ để chi cho khám chữa bệnh BHYT đến hết năm 2020 mà không phải nâng mức đóng BHYT và theo Luật BHYT thì quỹ BHYT được nhà nước bảo hộ. Vì vậy, mọi người không nên lo lắng về việc này.

19/12/2017 15:14

Xin bác sĩ cho biết cụ thể về thông tuyến khám chữa bệnh BHYT? Thông tuyến như vậy thì người tham gia BHYT được lợi ra sao? Chúng tôi ở tỉnh xa lên khám ở bệnh viện trung ương có thuận lợi hơn không?

Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Theo quy định hiện hành chỉ mới thông tuyến đối với tuyến huyện chưa có thông tuyến đến tuyến trung ương. Vì vậy, khi lên bệnh viện trung ương vẫn phải có giấy giới thiệu.

19/12/2017 15:16

Bệnh viện nơi mẹ tôi đăng ký khám BHYT không có chuyên khoa cần điều trị thì tôi có được lên điều trị tại bệnh viện tuyến trên hay vẫn phải xin giấy chuyển bảo hiểm?

Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Mặc dù bệnh viện tại nơi mẹ bạn đăng ký không có chuyên khoa mẹ của bạn vẫn phải được bệnh viện khám và cấp giấy chuyển tuyến.

19/12/2017 15:18

Nếu bệnh nhân BHYT thấy bệnh viện thu thêm tiền không thỏa đáng, có thể phản ánh đến đâu để được giải quyết? Hiện việc thu tiền này phải do Giám đốc bệnh viện cho phép, nên nếu vẫn phản ánh trong bệnh viện thì việc giải quyết liệu có vì quyền lợi của người bệnh?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Nếu bệnh nhân BHYT thấy bệnh viện thu thêm tiền không thỏa đáng có thể phản ánh đến đường dây nóng của bệnh viện hoặc đường dây nóng của Bộ Y tế.

19/12/2017 15:21

Giao lưu trực tuyến: Thủ tục và quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT ảnh 4 Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Ngoài các khoản phải thanh toán cùng chi trả theo luật định, bệnh nhân BHYT khi nội trú có phải đóng thêm các khoản tiền nào khác hay không?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Ngoài các khoản phải thanh toán cùng chi trả theo luật định, bệnh nhân BHYT khi nội trú cũng có thể phải đóng thêm một số khoản tiền khác như tiền ăn, nếu người bệnh báo chế độ ăn theo bệnh lý.

19/12/2017 15:21

Xin hỏi mức thanh toán khi sử dụng kỹ thuật cao có thay đổi nào không ạ? Sự thay đổi này có nhiều lắm không?

Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Hiện nay không còn khái niệm “dịch vụ kĩ thuật cao” thay vào đó Bộ Y tế có thông tư ban hành danh mục, tỉ lệ và điều kiện thanh toán đối với một số dịch vụ kĩ thuật và không có quy đình trần thanh toán với dịch vụ kĩ thuật cao như trước đây.

19/12/2017 15:22

Tôi thấy bệnh nhân chạy thận nhân tạo khác nhau về quyền lợi giữa các bệnh viện. Có BV tuyến thành phố vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân thận nhân tạo dù họ có BHYT, việc thu như vậy đúng không? Ai chịu trách nhiệm kiểm soát việc thu chi này?

Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Có BV tuyến thành phố vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân thận nhân tạo dù họ có BHYT, việc thu như vậy có thể là do: Máy chạy thận được mua từ nguồn xã hội hóa hoặc của tư nhân…. Vì không rõ khoản tiền thu vì lý do gì, nên khó có thể nói việc thu thêm đó đúng hay sai.
Việc kiểm soát này trước hết là của ngành y tế, bên cạnh đó là cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT, bảo vệ quyền lợi của người bệnh và phải giám sát việc bệnh viện thu thêm tiền của người bệnh.

19/12/2017 15:23

Tôi có người bà con ở tỉnh xa, đăng ký khám ban đầu ở BV huyện, muốn lên BV Bạch Mai phải làm thủ tục như thế nào cho thuận lợi, vì nếu đi qua BV tỉnh thì điều trị không hiệu quả nhưng chuyển BHYT rất khó khăn?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Trong trường hợp này, bệnh nhân vẫn cần phải có giấy chuyển viện, trừ trường hợp cấp cứu.

19/12/2017 15:24

Giao lưu trực tuyến: Thủ tục và quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT ảnh 5 Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế)

19/12/2017 15:24

Xin cho biết, trong trường hợp nào thì bệnh nhân BHYT không phải cùng chi trả?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Trong trường hợp người bệnh đến khám chữa bệnh mà mức chi phí nhỏ hơn hoặc bằng 15% tháng lương cơ sở thì không cùng chi trả; trường hợp người bệnh có mức hưởng BHYT 100% và sử dụng các danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc, danh mục vật tư y tế có tỉ lệ hưởng 100%.

19/12/2017 15:26

Việc chuyển tuyến là một vấn đề vô cùng khổ sở cho người bệnh, nhiều trường hợp nặng nhưng bệnh viện không cho chuyển tuyến trên, việc này khiến nhiều người lâm vào tình trạng quá nặng nên khi chuyển tuyến sức khỏe đã nguy kịch, thời gian điều trị kéo dài. Xin hỏi đâu là nguyên nhân khiến bệnh nhân BHYT phải chịu như vậy?

 Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Bộ Y tế đã có quy định, trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật thì bệnh viện phải chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh phù hợp.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có tình trạng như bạn nêu, nguyên nhân có thể là do năng lực chẩn đoán, tiên lượng của Bác sĩ điều trị chưa tốt, có trường hợp nếu chuyển viện ngay thì có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh (Ví dụ như: Tai biến mạch máu não, Chấn thương sọ não….) do đó bệnh viện chưa muốn chuyển…..; có một nguyên nhân do quy định của chính sách đó là chi phí khám chữa bệnh của người bệnh chuyển lên tuyến trên bị trừ vào Quỹ khám chữa bệnh của nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị bỏ quy định này trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ trong lần này.

19/12/2017 15:28

Cho tôi hỏi mức hưởng BHYT khi sử dụng kỹ thuật dịch vụ cao chi phí lớn, trong trường hợp phải điều trị các bệnh hiểm nghèo là như thế nào?

Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Mức hưởng BHYT khi sử dụng kỹ thuật dịch vụ cao chi phí lớn hiện nay chỉ có quy định tỷ lệ thanh toán đối với Phẫu thuật bằng Robot.

Tỷ lệ thanh toán tùy thuộc đối tượng tham gia BHYT và chỉ định điều trị.

Có 03 nhóm: - Nhóm 1, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% giá DVKT; Người bệnh không phải thanh toán;

Nhóm 2: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 40% giá DVKT; Người bệnh tự thanh toán 60% giá DVKT; Nhóm 3: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 30% giá DVKT; Người bệnh tự thanh toán 70% giá DVKT. Để tìm hiểu cụ thể, bạn có thể tra cứu Thông tư số 35/2016/TT-BYT. Đối với bệnh hiểm nghèo, mức hưởng giống như các bệnh khác.

19/12/2017 15:30

Giao lưu trực tuyến: Thủ tục và quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT ảnh 6 Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế)

19/12/2017 15:31

Tôi thấy bệnh nhân chạy thận nhân tạo khác nhau về quyền lợi giữa các bệnh viện. Có BV tuyến thành phố vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân thận nhân tạo dù họ có BHYT, việc thu như vậy đúng không? Ai chịu trách nhiệm kiểm soát việc thu chi này?
Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Có BV tuyến thành phố vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân thận nhân tạo dù họ có BHYT, việc thu như vậy có thể là do: Máy chạy thận được mua từ nguồn xã hội hóa hoặc của tư nhân…. Vì không rõ khoản tiền thu vì lý do gì, nên khó có thể nói việc thu thêm đó đúng hay sai.
Việc kiểm soát này trước hết là của ngành y tế, bên cạnh đó là cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT, bảo vệ quyền lợi của người bệnh và phải giám sát việc bệnh viện thu thêm tiền của người bệnh.

19/12/2017 15:35

Khi đi khám, chữa bệnh BHYT, học sinh tại tuyến huyện hoặc tương đương được hưởng quyền lợi như thế nào?

 Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Khi đi khám, chữa bệnh BHYT, học sinh tại tuyến huyện hoặc tương đương được hưởng quyền lợi như đi đúng tuyến và với mức hưởng 80% chi phí.

19/12/2017 15:36

Tôi điều trị tại bệnh viện tỉnh trái tuyến thì mức hưởng BHYT của tôi là bao nhiêu?

Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Điều trị nội trú trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh thì tỷ lệ được hưởng là 40% và theo mức hưởng tùy theo bạn thuộc đối tượng nào.

19/12/2017 15:41

Xin cho biết, người mua thẻ BHYT tự nguyện và thẻ BHYT bắt buộc có khác nhau về quyền lợi khi đi khám chữa bệnh không?

 Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Theo Luật Bảo hiểm y tế thì tất cả các đối tượng theo quy định của luật đều bắt buộc phải tham gia theo quy định của luật, không có hình thức BHYT tự nguyện. Bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng là hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người dân thì Chính phủ không bắt buộc các thành viên trong hộ gia đình mua thẻ bảo hiểm y tế cùng một thời điểm.

19/12/2017 15:45

Người dân lưu ý gì khi mua và sử dụng bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh?

  Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế):

 1: Đến Đại lý thu BHYT của xã, phường để được hướng dẫn mua thẻ BHYT; phải kê khai chính xác, đầy đủ thông tin vào mẫu đăng ký, nộp tiền và nhận giấy biên nhận; Lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu phù hợp với nơi cư trú hoặc công tác theo hướng dẫn của cơ quan Bảo hiểm xã hội; BHYT là chia sẻ rủi ro giữa người khỏe và người ốm, vì vậy người dân cần phải mua BHYT cho cả hộ gia đình.

2: Khi đi KCB bằng thẻ BHYT cần đến đúng nơi đăng ký KCB ban đầu; trường hợp phải chuyển tuyến thì phải có Giấy chuyển tuyến; trường hợp cấp cứu thì đến bất kỳ cơ sở KCB nào cũng được hưởng BHYT mà không cần giấy chuyển tuyến, nhưng phải trình thẻ BHYT chậm nhất là trước khi ra viện.

3: Khi có vướng mắc về BHYT bạn có thể hỏi Giám định viên của cơ quan Bảo hiểm xã hội thường trực tại bệnh viện hoặc nhân viên y tế.

4: Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế.

5: Chấp hành các quy định và hướng dẫn của tổ chức bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi đến khám bệnh, chữa bệnh.

19/12/2017 15:46

Giao lưu trực tuyến: Thủ tục và quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT ảnh 7 Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế)

19/12/2017 15:47

 Chính sách bảo hiểm y tế 2018 sẽ có những thay đổi gì?

 Bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Năm 2018, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện BHYT, theo đó một số nội dung sửa đổi, bổ sung như: Bổ sung thêm một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT; quy định việc tham gia BHYT hộ gia đình theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người dân; quy định điều kiện của Giám định viên BHYT; quy định cụ thể hơn về Hợp đồng, thanh lý và chấm dứt hợp đồng KCB BHYT; quy định cụ thể hợp về các phương thức thanh toán, các trường hợp thanh toán; bỏ quy định giao quỹ KCB BHYT, thay vào đó là quy định giao tổng mức thanh toán căn cứ trên chi phí bình quân của năm trước; Năm 2018, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán thay cho danh mục ban hành kèm theo Thông tư 40/2014/TT-BYT. Theo đó những thuốc được khuyến cáo hiệu quả điều trị kém sẽ đưa ra khỏi danh mục, thuốc mới có hiệu quả điều trị cao với chi phí hợp lý sẽ đưa vào danh mục được quỹ BHYT thanh toán. Năm 2018, Bộ Y tế sẽ sửa đổi bổ sung Thông tư quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT thanh toán bảo đảm sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả.

MỚI - NÓNG