Giáo hoàng mới có thể là người châu Phi

Giáo hoàng mới có thể là người châu Phi
Các hồng y khắp thế giới sẽ bầu chọn giáo hoàng mới trong tháng 3 sau khi Giáo hoàng Benedict XVI đột ngột quyết định từ chức

> Ứng viên kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI

> Giáo hoàng đầu tiên thoái vị sau 700 năm

Giáo hoàng Benedict XVI vừa làm toàn thể Giáo hội Công giáo La Mã sững sờ khi thông báo sẽ từ chức vào ngày 28-2 tới, một sự kiện chưa từng xảy ra trong khoảng 600 năm qua. Ngài tuyên bố mình không còn đủ sức khỏe về tinh thần và thể chất để tiếp tục công việc.

Giáo hoàng mới có thể là người châu Phi ảnh 1

Giáo hoàng Benedict XVI (trái) tại một buổi lễ hôm 13-2. Ảnh: REUTERS

Hành động can đảm

Trong thông báo đọc trước các hồng y, vị Giáo hoàng 85 tuổi nhấn mạnh: “Kể từ 20 giờ ngày 28-2, Tòa Thánh sẽ trống ngôi giáo hoàng và một cuộc họp kín để bầu vị giáo hoàng mới sẽ được triệu tập”.

Theo hãng tin Reuters, trong quá khứ, một số giáo hoàng, kể cả vị tiền nhiệm của Giáo hoàng Benedict XVI là John Paul II, đã tránh đưa ra quyết định từ chức vì lý do sức khỏe. Nguyên nhân được nêu lên là sự chia rẽ có thể xảy ra do có sự hiện diện cùng một lúc cựu giáo hoàng và giáo hoàng đương kim. Người phát ngôn của Vatican, linh mục Federico Lombardi, cho biết Giáo hoàng Benedict XVI không sợ xảy ra nguy cơ kể trên.

Linh mục Lombardi thừa nhận sự kiện Giáo hoàng Benedict XVI từ chức cho thấy ngài rất can đảm, đồng thời gạt bỏ chuyện giáo hoàng mắc bệnh hoặc bị trầm cảm. Linh mục Lombardi nói thêm rằng quyết định trên đã được giáo hoàng đưa ra mà không hề chịu sức ép từ bên ngoài.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ về cuộc sống của Giáo hoàng Benedict sau khi từ chức. Linh mục Lombardi cho biết trước tiên, ngài sẽ đến cư trú tại một ngôi nhà ở Nam Rome (Ý), sau đó sẽ chuyển đến sống ẩn dật trong một tu viện kín bên trong Vatican.

Được bầu vào ngày 19-4-2005, Giáo hoàng Benedict XVI được một số người hoan nghênh vì đã cố gắng tái xác nhận một Giáo hội Công giáo truyền thống. Tuy nhiên, những người khác chỉ trích ngài làm tổn thương cuộc đối thoại với người Hồi giáo, người Do Thái và các tôn giáo khác thuộc Ki tô giáo.

Mở rộng sự lựa chọn

Ngay sau khi giáo hoàng từ chức, trong tháng 3 tới, các hồng y khắp thế giới sẽ tụ họp ở Rome và sau các cuộc gặp gỡ sơ bộ, họ sẽ tham dự một cuộc họp kín để bầu chọn giáo hoàng mới trong số các hồng y dự họp. Hiện nay, Giáo hội Công giáo đang chịu một sức ép ngày càng tăng cần phải bầu một giáo hoàng từ thế giới đang phát triển. Ngoài ra, các hồng y có thể sẽ bầu một vị trẻ tuổi hơn bởi lẽ khi nhậm chức, Giáo hoàng Benedict XVI đã 78 tuổi.

Theo đài CNN, Hồng y John Onaiyekan ở Abuja (Nigeria) khẳng định: “Thời gian dành cho một giáo hoàng người châu Phi đã chín muồi… Ngôi vị cao nhất của giáo hội cần phải mở rộng cho bất cứ ai thuộc mọi chủng tộc, ngôn ngữ và quốc gia. Tôi không hề ngạc nhiên khi được nhìn thấy một giáo hoàng người châu Phi”.

Trong khi đó, dư luận đang đồn đoán Hồng y Timothy Dolan, người Mỹ, Tổng Giám mục New York, hay Hồng y Marc Ouellet ở Quebec (Canada) có thể sẽ là vị giáo hoàng kế tiếp. Bên cạnh đó, theo báo The Telegraph (Anh), Hồng y Peter Turkson của Ghana và Hồng y Francis Arinze của Nigeria có thể trở thành vị giáo hoàng da đen đầu tiên.

Hồng y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, vị đứng đầu Bộ Thống nhất Ki tô giáo của Vatican, nhận định tương lai của Giáo hội Công giáo không phải ở châu Âu. Ông nói: “Thật là hay nếu như có các ứng viên đến từ châu Phi hoặc Nam Mỹ tham dự cuộc họp kín”. Ông cho biết nếu như phải chọn lựa giữa 2 hồng y có năng lực ngang bằng nhau, ông sẽ bầu cho hồng y không phải người châu Âu.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG