Xuất bản SGK lỗ 40 tỷ đồng/năm: Lý giải của Bộ GD&ÐT

Hiện nay, 35% sách giáo khoa được tái sử dụng. ​Ảnh: Hồng Vĩnh
Hiện nay, 35% sách giáo khoa được tái sử dụng. ​Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Theo giải trình của Bộ GD&ÐT đối với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, sở dĩ Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) in, xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK) mỗi năm lỗ 40 tỷ đồng (liên tiếp trong 3 năm vừa qua) là do giá sách giữ nguyên từ năm 2011. Nhưng giá cả thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu làm sách tăng lên nhiều.

Bộ GD&ĐT cho biết đang tổng kết, đánh giá việc biên soạn, xuất bản, phát hành và sử dụng SGK, bao gồm sách Hướng dẫn học theo mô hình VNEN, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục để rút kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình, SGK mới.

Ðúng quy trình?

Bộ GD&ĐT sẽ tổng kết đánh giá việc thí điểm chuyển NXBGDVN sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của NXBGDVN trong tổng thể ngành xuất bản. Quy trình để biên soạn một bộ  SGK hiện hành (từ năm 2002) gồm các bước: Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định thành lập đội ngũ tác giả và tổ chức biên soạn sách giáo khoa; Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định SGK và tổ chức thẩm định SGK các môn học; Giao cho NXBGDVN tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế - minh họa, đăng kí xuất bản, in và phát hành SGK. Từ đó đến nay, việc in SGK  do NXBGDVN tổ chức thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ, giá thành hợp lí.

Việc phát hành SGK được thông qua các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương và một số đối tác phát hành. Việc in và phát hành SGK cơ bản đáp ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời nhu cầu học tập của học sinh cả nước. Các nhà in tham gia đấu thầu in, các đơn vị tham gia phát hành SGK phần lớn đều là các công ty cổ phần; nguồn nguyên vật liệu phục vụ in ấn SGK (giấy, kẽm, mực in) chiếm một tỷ trọng lớn trong giá thành SGK. Do việc in SGK thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, việc phát hành SGK thông qua hệ thống các công ty cổ phần Sách- Thiết bị trường học địa phương, các đối tác phát hành đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, tạo việc làm cho xã hội và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Bộ GD&ĐT khẳng định, do tính chất đặc thù của việc xuất bản, phát hành SGK nên NXBGDVN không được tự quyết định giá bìa SGK. Theo quy định hiện hành, SGK là mặt hàng được quản lí giá bởi Cục Quản lý giá Bộ Tài chính. Từ năm 2011 đến nay, mặc dù giá cả thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu làm sách tăng lên nhiều nhưng giá SGK vẫn giữ nguyên. Việc NXBGDVN tổ chức đấu thầu để lựa chọn các công ty in, phát hành SGK thông qua các công ty cổ phần về thực chất là lựa chọn những công ty đủ mạnh, có khả năng in SGK với chất lượng tốt, giá thành hạ, phát hành SGK ở các địa phương để giảm chi phí vận chuyển, bảo đảm không bị lỗ hoặc lỗ ít trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng theo giá cả thị trường nhưng giá SGK  không thay đổi (theo báo cáo của NXBGDVN trong việc in ấn, phát hành SGK hiện nay lỗ khoảng 40 tỷ đồng một năm).

Chỉ 35% SGK được tái sử dụng

Trong báo cáo giải trình, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, khi biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành các thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước trên thế giới. Để học sinh không viết vào SGK  trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Tuy nhiên, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỉ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chỉ thị yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương quán triệt giáo viên tiếp tục thực hiện nghiêm hướng dẫn; tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; không viết, vẽ vào SGK; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, khiến cho học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Đồng thời yêu cầu Tổng Giám đốc NXBGDVN tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK  hiện hành để đề xuất  phương án chỉnh sửa bản thảo SGK nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK trong quá trình học tập; báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án chỉnh sửa bản thảo SGK trước khi tái bản, bảo đảm SGK có chất lượng tốt, được sử dụng nhiều lần, tránh gây lãng phí.

Trước câu hỏi của phóng viên Tiền Phong liên quan câu chuyện NXBGDVN báo lỗ 40 tỷ đồng/năm nhưng vẫn chiết khấu 250 tỷ đồng, đại diện Bộ GD&ÐT nói rằng, NXBGDVN là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên nên mọi hoạt động kinh doanh của NXBGDVN do NXBGDVN chịu trách nhiệm, Bộ GD&ÐT không tham gia điều hành các hoạt động của NXBGDVN.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.