Trường ĐH Công nghiệp TPHCM

Trưởng khoa Luật nhận đạo văn xin rút khỏi danh sách phó giáo sư

Nguồn ảnh internet
Nguồn ảnh internet
TPO - Sau khi bị phát hiện sao chép đề tài nghiên cứu khoa học của nhiều người, một tân phó giáo sư (PGS) của trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã xin rút khỏi danh sách đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2017.

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học có tên "Hoàn thiện quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp ở Việt Nam" do TS Đặng Công Tráng, trưởng khoa Luật trường ĐH Công nghiệp TPHCM chủ trì cùng 2 thành viên khác là TS Vũ Thế Hoài, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Vân, bị phát hiện sao chép luận văn thạc sĩ của một số nguồn khác nhau. Ông Tráng vừa được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Chiều 2/3, trao đổi với Tiền Phong, hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TPHCM Nguyễn Thiên Tuế xác nhận có sự việc trên và nhóm nghiên cứu cũng đã thừa nhận hành vi của mình.

Theo ông Tuế, ngay khi nhận được thông tin TS Đặng Công Tráng, trưởng khoa Luật trường ĐH Công nghiệp TPHCM chủ trì cùng 2 thành viên khác là TS Vũ Thế Hoài, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Vân bị phát hiện sao chép luận văn, ông đã chỉ đạo PGS.TS Lê Văn Tán, Phó hiệu trưởng nhà trường, kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học cấp cơ sở làm rõ sự việc.

Cụ thể, nhà trường đã có buổi làm việc với nhóm nghiên cứu và đặc biệt là TS Đặng Công Tráng về sự việc trên. “Thầy Tráng đã thừa nhận có sai sót khi trích dẫn, sao chép nguyên văn những không ghi rõ nguồn ở nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau. Thầy Tráng cũng có đơn gửi nhà trường và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước hủy bỏ đề tài nghiên cứu này”, ông Tuế nói.

Ông Tuế cho biết thêm, về quy định xét phong PGS tối thiếu là 6 điểm nhưng số điểm của TS Tráng là 9 điểm, nếu hủy bỏ để tài này thì TS Tráng vẫn đủ điểm xét công nhận PGS. “Tuy nhiên, dù đủ điểm đi chăng nữa hay sơ xuất thì về mặt đạo đức cũng không đủ điều kiện”, ông Tuế nói.

Nói về hình thức xử lý, ông Tuế cho biết, hiện bước đầu nhà trường sẽ hủy bỏ đề tài, yêu cầu nhóm nghiên cứu trả lại tiền nghiên cứu khoa học đã được cấp. “Tiếp đó, nhà trường sẽ mời các chuyên gia phản biện, hội đồng nghiệm thu để làm việc, tìm hiểu nguyên do vì sao đề tài đạo văn nghiêm trọng như vậy nhưng vẫn được công nhận rồi từ đó mới thành lập hội đồng kỷ luật họp và đưa ra hình thức xử lý”, ông Tuế nói.

Cũng theo ông Tuế, TS Tráng hiện đã có đơn gửi Hội đồng chức dánh GS- PGS nhà trường xin lỗi về sự việc trên đồng thời xin rút tên ra khỏi danh sách PGS năm 2017.

Được biết, trường ĐH Công nghiệp TPHCM hiện có quy mô đào tạo khoảng 35.000 sinh viên với khoảng 1.195 giảng viên, trong đó có 199 tiến sĩ, 18 PGS còn lại gần như là trình độ thạc sĩ.

MỚI - NÓNG