Ðòi hỏi từ thực tế
Những ngày tháng 10 vừa qua, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) đã tổ chức lễ công bố thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị trong nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng các lĩnh vực công nghệ cao trong quản lý vận tải, đảm bảo an toàn giao thông, và quản lý phương tiện và người lái. Theo PGS Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), mối lương duyên này bắt nguồn từ thực tế đang đặt ra đối với ngành GTVT.
Tính đến ngày 8/10/2018, Hệ thống Giám sát hành trình mà TCĐB đang quản lý có hơn 1 triệu phương tiện kết nối trực tuyến. Tuy nhiên, để tránh bị hệ thống “giám sát”, một số tài xế đã mua các thiết bị phá sóng GPS cầm tay được bày bán tràn lan trên thị trường. Hiện tại, mỗi ngày trạm phát hiện phá sóng GPS đặt tại NAVIS đã phát hiện được từ 100-200 sự kiện phá sóng.
Hơn nữa, thiết bị giám sát hành trình còn được kiểm định chất lượng theo một quy trình khá thủ công nên một ngày chỉ kiểm định được vài bộ thiết bị. Ngoài ra, xử phạt nguội dựa trên dữ liệu vận tốc và bản đồ số, nhưng tọa độ của biển báo thì lại chưa được xác định chính xác trên bản đồ, vì vậy sẽ khó thuyết phục khi xử lý vi phạm. Giải quyết thế nào đây?
Sau một thời gian nghiên cứu, các cán bộ của Trung tâm NAVIS đã chế tạo thành công các thiết bị như: Phát hiện và dò tìm phương tiện phá sóng GPS, thiết bị phát tín hiệu mô phỏng GPS/GNSS và thiết bị định vị độ chính xác cao để xác định tọa độ biển báo. Theo PGS Tạ Hải Tùng, các thiết bị đã được hoàn thiện và đang trong các khâu kiểm tra đánh giá trước khi đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước (kiểm định, đăng kiểm...).
Mệt mỏi vì… thủ tục hành chính
Tuy nhiên, từ câu chuyện thực tế, PGS Tạ Hải Tùng cũng cho biết có nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm nghiên cứu ra thực tế. Xu hướng chung hiện nay là các trường ĐH được Nhà nước giao tự chủ. Để có kinh phí nghiên cứu và xây dựng đội ngũ, ngoài hỗ trợ của nhà trường về cơ sở vật chất (phòng ốc, trang thiết bị…), các đơn vị nghiên cứu phải chủ động tìm kiếm nguồn kinh phí từ đề tài, dự án để trang trải cho các hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ (CGCN)
của mình.
Dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tìm nhiều cách tháo gỡ nhưng vấn đề vẫn chưa giải quyết được một cách triệt để, thấu đáo. Một đề tài từ lúc nộp đề xuất đến khi ký được hợp đồng triển khai có khi mất đến hơn hai năm.
Xin được đề tài đã khó, triển khai cũng khó, nghiệm thu cũng khó. Những cái khó lại không đến từ việc chuyên môn, mà chủ yếu đến từ các thủ tục hành chính. Nhiều người làm KH nghiêm túc sau vài lần thực hiện đề tài, vì mệt mỏi với thủ tục hành chính đã tuyên bố sẽ không xin đề tài nghiên cứu nữa, mà tự xoay xở, hoặc quay về thuần túy giảng dạy.
Khó khăn thứ hai là xã hội đang hiểu chưa đúng về NCKH nói chung, và vai trò của nhà KH nói riêng. Xã hội đang quan niệm đã nghiên cứu là phải thành công, phải có sản phẩm. “Nhưng bản chất của nghiên cứu là sự tìm tòi tri thức mới. Con đường này không phải lúc nào cũng “trải hoa hồng”, và kể cả thành công thì từ tri thức mới đó để ứng dụng được vào thực tế là câu chuyện khác.
Ngoài ra, chúng ta cũng không nên so sánh nhà khoa học với nông dân - những nhà sáng chế không chuyên. Đây là hai nhóm đối tượng khác nhau, với sứ mệnh trong khoa học kỹ thuật khác nhau, dù cả hai đều mong muốn phát triển sản phẩm mới ứng dụng trong đời sống” - PGS Tạ Hải Tùng nhấn mạnh.
Thứ ba, theo PGS Tùng, giữa nghiên cứu và đưa sản phẩm ra thực tế có một khoảng cách rất lớn. Ở các nước phát triển, họ đã tạo dựng được một hệ sinh thái đầy đủ để hỗ trợ các nhà KH đưa nhanh nhất các kết quả nghiên cứu ra thực tế. Còn ở Việt Nam, mọi sự đang khởi đầu nên có rất nhiều trở ngại, khó khăn.
PGS Tùng cho biết, về bản chất có hai mô hình chuyển giao công nghệ: thứ nhất là chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, và doanh nghiệp tiếp nhận sẽ có nghĩa vụ trả phí bản quyền (licensing) cho đơn vị nghiên cứu cũng như nhà KH. Thứ hai là mô hình “spin-off”, ở đó, các nhà KH với sự đồng ý của đơn vị nghiên cứu, cũng như sự tham gia của các đối tác giàu kinh nghiệm khác, sẽ tự mở doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình.
Trong hai mô hình chuyển giao công nghệ này, mô hình thứ hai có nhiều ưu điểm. Vì chỉ nhà khoa học mới hiểu hết về công trình nghiên cứu của mình, mới đau đáu chuyện làm thế nào để nó phát triển, và đâu là lĩnh vực nó có thể phát huy tốt nhất.
Ở Việt Nam, hợp tác giữa DN và nhà khoa học còn chưa được như mong đợi, trong đó có nguyên nhân hệ thống pháp lý đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, và bản quyền tác giả chưa thực sự hiệu quả để bảo vệ các nhà KH trước những phức tạp của thương trường.