Tiền trường đầu năm học: Có tình trạng áp đặt, cào bằng

Nhiều phụ huynh học sinh hiện chưa nắm vững quy định trong thông tư 55 của Bộ GD&ÐT: Không được thu các khoản liên quan tới chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học. Ảnh: Ngọc Châu.
Nhiều phụ huynh học sinh hiện chưa nắm vững quy định trong thông tư 55 của Bộ GD&ÐT: Không được thu các khoản liên quan tới chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Ðến hẹn lại lên, đầu năm học mới, phụ huynh tất tả lo đủ các loại tiền đóng góp cho con em. Các cơ quan truyền thông cũng trở nên bận rộn khi hàng ngày nhận đơn kêu cứu của phụ huynh về lạm thu. Lạm thu chưa bao giờ hết nóng mỗi đầu năm học mới.

Mạng xã hội gần đây đang xôn xao bức thư do hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (Lê Chân, Hải Phòng) ký. Trong bức thư này nhà trường đưa ra kế hoạch bổ sung trang thiết bị giảng dạy, học tập... với tổng số tiền lên đến trên 900 triệu đồng, mỗi phụ huynh phải đóng nhiều khoản tự nguyện.

Trong khi đó, một phụ huynh trường tiểu học Đông Vệ 2 (Thanh Hóa) cũng kêu cứu: Mỗi năm lớp 1 cần mua bàn ghế cho 45 cháu, bảng từ, máy chiếu, bàn ghế giáo viên, tổng giá trị khoảng 55 triệu đồng và chia đều cho mỗi phụ huynh, mỗi người đóng 1,3 triệu... Còn nhiều trường hợp khác nữa.

Trước thực trạng này, hôm qua, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT khẳng định lạm thu trong trường học mỗi dịp đầu năm học mới là vấn đề không mới,  mặc dù các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý kỉ luật, có hình thức kỉ luật rất thích đáng. Khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng có vẻ như chúng ta đang gặp phải vấn đề khá nghiêm trọng, đó là  chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục. Không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục.

“Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền như ở Hải Phòng, Thanh Hóa...” - ông Trần Tú Khánh cho hay

Mặt khác, theo ông Khánh, Bộ GD&ĐT năm nào cũng chủ động ban hành rất sớm các văn bản để hạn chế lạm thu, như năm nay ngay từ tháng 3 đã có văn bản hướng dẫn về các địa phương (văn bản 1029 ngày 29/3) gửi các địa phương hướng dẫn, chấn chỉnh lạm thu.

Trong đó nêu các vấn đề cụ thể, yêu cầu các cơ quan quản lý từ địa phương, Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, đặc biệt đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, vừa rồi, vẫn tái diễn tình trạng lạm thu ở đây đó trên nhiều địa phương.

“Từ câu chuyện kêu gọi sửa chữa cơ sở, nhưng làm không đúng, triển khai xin phép như Hải Phòng, cho thấy tư duy, cách thức thu và quản lý tài chính huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh, các nhà tài trợ” - ông Khánh nói.

Cắt đứt “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng?

Năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo các vụ cục chức năng liên quan rà soát để sửa đổi 2 thông tư, đặc biệt là thông tư 55 để tránh tình trạng các cơ sở giáo dục, địa phương mượn danh nghĩa Hội Cha mẹ học sinh để thu các khoản thu không đúng quy định.

Thông tư 55 quy định rõ những gì Hội Cha mẹ học sinh được làm, những gì không được làm. Chẳng hạn, Hội Cha mẹ học sinh chỉ thu những khoản thu để phục vụ cho hoạt động chứ không thu các khoản quyên góp, tài trợ các việc để chi các chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học.

Điều này, trong Hội Cha mẹ học sinh nhiều người cũng chưa nắm được, hoặc hiểu chưa rõ về trách nhiệm quyền hạn của mình mặc dù qua truyền thông đã thông tin rộng rãi. Ông Trần Tú Khánh cho biết, hiện nay Bộ đang lấy ý kiến rộng rãi để bổ sung, sửa đổi thông tư 55. Bên cạnh thông tư 55, thông tư 29 để giải quyết những vấn đề kêu gọi, cho biếu, tặng, tài trợ...

Bộ GD&ĐT cũng đang tiến hành sửa đổi, đã lấy ý kiến của địa phương, Sở GD&ĐT và đặc biệt ý kiến các chuyên gia để sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục huy động một cách thuận lợi nguồn lực từ bên ngoài để nâng cao để nâng cao chất lượng, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Trần Tú Khánh, người đứng đầu cơ sở giáo dục địa phương, đặc biệt là Sở GĐ&ĐT phải gánh một phần trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, năm học 2017-2018, Bộ cũng cùng với các địa phương và cơ quan thanh kiểm tra, xử lý quyết liệt; đã có những trường hợp đau lòng như kỉ luật và khởi tố người đứng đầu trường.

Còn liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh thì trong thông tư 55 đã nói rất rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền từ chối những gợi ý, kêu gọi các khoản đóng góp không phù hợp. Nếu nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh hiểu, nắm rõ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của mình để thực hiện đúng và có sự chia sẻ với những phụ huynh khác thì sẽ không để xảy ra tình trạng lạm thu.

“Hội cha mẹ học sinh chỉ thu những khoản thu để phục vụ cho hoạt động chứ không thu các khoản quyên góp, tài trợ các việc để chi các chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học”.

 Trích quy định trong Thông tư 55

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.