Sóng gió ở ĐH Luật TPHCM là do chiếc 'ghế nóng' hiệu trưởng thiếu chủ?

Trường ĐH Luật TPHCM nơi đang xảy ra nhiều lùm xùm
Trường ĐH Luật TPHCM nơi đang xảy ra nhiều lùm xùm
TPO - Theo bà Võ Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật TPHCM, những lùm xùm, mất đoàn kết nội bộ trong thời gian qua là do chiếc “ghế nóng” hiệu trưởng đang thiếu chủ.

Những lùm xùm của Trường ĐH Luật TPHCM trong những ngày gần đây như việc một giảng viên viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ để nói về những bất ổn nội bộ, mất đoàn kết, lạm thu, vi phạm đạo đức, phát luật… Tiếp đó, việc hai PGS là phó khoa cũng xin từ chức, sự việc một phó hiệu trưởng của trường bị tố chiếm giữu con dấu, ban hành văn bản giả mạo… đang gây xôn xao dư luận.

PV Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn ngắn với bà Võ Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Luật TPHCM.

Thưa bà, những ngày qua dư luận xôn xao khi có nhiều thông tin không tốt về Trường ĐH Luật TPHCM, đặc biệt là nói về nhưng sai phạm được Kiểm toán Nhà nước kết luận, bà có thể nói rõ về sự việc này?

-Bất kể cơ quan, đơn vị nào cũng có những bất ổn nhất định. Những vấn đề các báo nêu trong thời gian qua liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Bộ GD&ĐT là đúng và được công bố từ những năm 2017 và 2018. Cùng với kết luận, phía Nhà trường cũng đã có biện pháp xử lý trách nhiệm những cá nhân liên quan, khắc phục hậu quả, một số sai phạm khác thì đang tiếp tục làm rõ để xử lý… nên việc lặp lại những vấn đề này là không cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của trường.

Theo tôi, những bất ổn hiện nay là không đáng và nguyên nhân của sâu xa là từ chiếc “ghế nóng” hiệu trưởng đang thiếu chủ.

Bà vừa nói nguyên nhân của sự bất ổn nhà trường hiện nay là do chiếc “ghế nóng” hiệu trưởng đang thiếu chủ. Bà có thể nói rõ hơn đến vấn đề này?

-Vào khoảng cuối năm 2017, GS Mai Hồng Qùy (thời điểm đó đang là hiệu trưởng- PV) chuẩn bị về hưu thì xuất hiện nhiều đơn thư tố cáo gửi đến khắp nơi. Lúc đó, trường có 3 hiệu phó  nhưng chỉ có 2 người đủ điều kiện để ngồi vào chiếc ghế hiệu trưởng, đó là thầy Lê Trường Sơn và thầy Bùi Xuân Hải. Riêng thầy Trần Hoàng Hải vì quá tuổi nên không đủ điều kiện. Đơn thư lúc đó chủ yếu tập trung vào tố cáo cô Quỳ và thầy Lê Trường Sơn nên về xét về tiêu chí chỉ còn thầy Bùi Xuân Hải là đủ điều kiện.

Tuy nhiên, vì độ chín và kinh nghiệm, Hội đồng trường và cán bộ chủ chốt đã giới thiệu thầy Trần Hoàng Hải nắm quyền phụ trách đồng thời mong muốn bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Đây là mong muốn của tập thể.

Nếu là mong muốn của tập thể, vậy tại sao vẫn liên tục có những tố cáo trong thời gian qua?

-Thầy Trần Hoàng Hải rất được mọi người ủng hộ, điều đó được thể hiện qua số phiếu. Cụ thể là ngày 20/2/2019, nhà trường đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó theo kế hoạch thực hiện công tác quy hoạch viên chức giai đoan 2018- 2023. Kết quả, Hiệu phó phụ trách Trần Hoàng Hải có phiếu tín nhiệm cao nhất.

Tuy nhiên, do thầy Trần Hoàng Hải được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng phụ trách nên về nguyên tắc, chiếc ghế nóng hiệu trưởng vẫn còn trống. Nói là đã số ủng hộ nên vẫn còn số ít chưa phục, họ tiếp tục đấu tranh, phản biện.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng trường, bà mong muốn gì trong thời gian tới?

-Tôi xin nhắc lại, những vấn đề đang được phản ánh trong thời gian gần đây là không mới, đã và đang được xử lý. Những người đứng ra phản biện, tố cáo theo tôi là dũng cảm và bản lĩnh, giúp hoàn thiện đội ngũ cán bộ, góp phần hoàn thiện hơn nhà trường, đưa nhà trường phát triển. Tuy nhiên, tôi hy vọng họ phản biện mang tính chất xây dựng chứ đừng đấu đá, tranh chức, tranh quyền để rồi gây hoang mang, mất đoàn kết và uy tín của nhà trường.

Việc tôi mong muốn bây giờ là tập thể nhà trường đồng lòng, đoàn kết, ổn định để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới.

Cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.