Nghi án GS.Tốn đạo văn: Hội đồng chức danh giáo sư lên tiếng

Ông Nguyễn Đức Tồn hướng dẫn nghiên cứu sinh ngoài hành lang của Viện. Ảnh Nguồn Internet
Ông Nguyễn Đức Tồn hướng dẫn nghiên cứu sinh ngoài hành lang của Viện. Ảnh Nguồn Internet
TP - Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã yêu cầu Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học phải kết luận GS Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ có đạo văn hay không và báo cáo trong tháng 5.

Trước đó, GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ phản ánh GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn trong các cuốn sách đã xuất bản. Cụ thể, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết vào năm 2002, GS Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở Viện Ngôn ngữ học và đã không được thông qua.

Năm 2006, GS Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, Hội đồng trường này cũng có thảo luận chuyện đạo văn này nhưng hồ sơ của ông Tồn đã đạt đủ số phiếu để thông qua.

Khi hồ sơ đưa lên Hội đồng chức danh giáo sư ngành, Hội đồng đã giao cho GS Thêm (khi đó với tư cách là ủy viên Hội đồng) làm trưởng nhóm  thẩm định hai đơn thư nặc danh tố cáo GS Tồn đạo văn 2 cuốn “Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt” (sao chép luận án PTS của Nguyễn Thuý Khanh) và cuốn “Những vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường” (sao chép bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà).

Và lần này, hồ sơ của GS Tồn tiếp tục không được thông qua. Đến năm 2009, Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở Trường ĐH KHXH NV Hà Nội lại thông qua hồ sơ của GS Tồn một lần nữa.

Khi lên đến Hội đồng ngành, vì nhiều yếu tố (tinh thần nhân văn, GS Tồn vừa được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ nên chắc chắn cũng đã được xem xét, cân nhắc việc này) nên  các thành viên Hội đồng đã đồng ý đưa ứng viên Nguyễn Đức Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ứng viên Tồn đã được thông qua với số phiếu 10/10.

Không những thế, GS Thêm khẳng định việc GS Tồn đạo văn đã trở thành một “căn bệnh” trầm kha.  Không chỉ bị tố ở hai cuốn sách trên, GS Tồn còn bị tố đạo văn một cách tinh vi ở cuốn “Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy (Tái bản có chỉnh lý và bổ sung)” (NXB Từ điển Bách khoa, 2010, 635 tr.) từ một cuốn sách của GS Trần Ngọc Thêm. Cuốn sách này được GS Tồn nộp đăng ký Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2016.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cho biết đã chính thức có văn bản yêu cầu Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học rà soát, báo cáo về vụ GS Nguyễn Đức Tồn. Theo yêu cầu của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, hội đồng ngành sẽ phải rà soát toàn bộ thông tin liên quan đến vụ việc, họp Hội đồng, thẩm định để kết luận GS Tồn có thực sự “đạo văn” hay không.

Vị lãnh đạo này cũng khẳng định vụ việc này phải làm đúng quy trình vì đây là danh dự của một con người. Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước không bao che nhưng phải hết sức thận trọng. Việc này không thể xử lý chỉ dựa trên dư luận mà phải dựa vào chứng cứ và các phân tích, đánh giá chuyên môn.

Vị lãnh đạo này cũng cho hay mặc dù chưa nhận được đơn thư tố cáo về việc GS Tồn đạo văn, nhưng từ thông tin dư luận, báo chí phản ánh, với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đã yêu cầu Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học báo cáo về việc này. Sau khi có báo cáo của hội đồng ngành, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước sẽ họp thảo luận và đưa ra nghị quyết xử lý cụ thể.

Tối qua, 17/5, Tiền Phong đã liên lạc qua điện thoại với GS Nguyễn Đức Tồn. GS Tồn cho biết đang đi công tác và từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ việc.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.