Nghi án giáo sư Tốn ‘đạo văn’ học trò: Có nên xuê xoa?

Cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn (trái) được cho là đạo văn từ luận án và luận văn của người khác.
Cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn (trái) được cho là đạo văn từ luận án và luận văn của người khác.
TPO - Nghi án GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn đang gây xôn xao dư luận. Việc làm rõ đạo văn cần rõ ràng, cẩn thận nhưng không nên kéo dài. 

Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước vừa có công văn đề nghị hội đồng ngành Ngôn ngữ học khẩn trương kiểm tra và có ý kiến chính thức bằng văn bản phản hồi về nghi vấn GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn trước ngày 1/6

Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phản ứng chậm?

Trả lời trên Vietnamnet, PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, sự kiện gây ồn ào mấy ngày qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bởi vậy, tước hay không tước danh hiệu giáo sư, phó giáo sư có quy định rõ ràng. 
 
“Nếu đúng là ông Tồn có đạo văn thì việc tước danh hiệu giáo sư, thậm chí cả phó giáo sư trước đây của ông là hoàn toàn cần thiết và đáng làm. Tuy nhiên, đây là chuyện có liên quan đến một con người, nên phải làm cẩn trọng. Dù gì chăng nữa thì việc chép sách cần phải được xử lý, không được xuê xoa”- PGS Đoàn Lê Giang lưu ý.

PGS Giang cho rằng, ở nước ta có khuynh hướng coi việc ăn cắp tiền, ăn cắp tài sản mới là xấu, còn "đạo" tài sản trí tuệ của người khác thì lại dễ xuê xoa.
 
PGS.TS Giang cho rằng, dù sự việc ông Tồn đã gây ồn ào nhưng Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước có vẻ phản ứng hơi chậm trong việc này. 
 
“Đáng lẽ Hội đồng cần họp ngay, cử ra một tổ thanh tra gồm những nhà chuyên môn có uy tín, trung thực, xem xét lại toàn bộ các công trình của ông Tồn, trong đó có các công trình bị tố là đạo văn. Bên cạnh đó, nên ra thông báo Tổ thanh tra sẽ tiếp nhận thêm các tố cáo khác. Công trình đã xuất bản còn lưu đầy đủ, thì việc ông Tồn có đạo văn không hay ai chép của ai sẽ biết ngay".

Nên xử lý dứt điểm

Còn ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, đối với trường hợp của ông Nguyễn Đức Tồn, theo những gì mà GS Trần Ngọc Thêm đã nói, thì ông Tồn dịch tài liệu tiếng Nga đưa cho học trò tham khảo, rồi chép nguyên xi vào mà không phát hiện là sự quá dễ dãi.
 
“Theo Quy định 174/2008/QĐ-TTg, trường hợp này Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước xem xét theo thẩm quyền và tước bỏ chức danh giáo sư của ông Tồn" - TS Vinh cho biết.  

TS Vinh đề xuất, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cần có chỉ đạo kiểm tra làm rõ vi phạm của Hội đồng cấp cơ sở, cấp ngành, không để các hội đồng hoạt động "à ơi" mãi. Còn nếu cơ quan xác minh trường hợp ông Tồn không đạo văn thì những người tố cáo và đưa bằng chứng sai sẽ phải chịu xử lý.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cũng cho rằng, việc đầu tiên là xem xét để kết luận ông Nguyễn Đức Tồn có đạo văn hay không. Nếu có, thì Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cần họp sớm để ra quyết định hủy công nhận chức danh giáo sư căn cứ vào điều 8.2 và 18.1 của quyết định 174/2008/QĐ-TTg để tước chức danh giáo sư của ông Tồn. 

“Vì để càng lâu càng tạo dư luận xấu về cách thức làm việc và ứng xử của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của Hội đồng giáo sư ngành Ngôn ngữ khi công nhận ứng viên có sai phạm” – ông Tùng nói.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.